Bộ trưởng gợi mở hướng bứt phá cho ngành hàng hải 

(Chinhphu.vn) – Lượng hàng hoá thông qua các cảng biển của Việt Nam đang tăng trưởng đều đặn hàng năm, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngành hàng hải cần chú trọng nhiều hơn tới việc kết nối tới các cảng biển mới thực sự khiến loại hình giao thông quan trọng này bứt phá được.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng).
Ảnh: VGP/Phan Trang.

Hàng hoá tăng trưởng đều, giảm tải cho đường bộ

 

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm vừa qua, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng ở mức cao đều qua các năm đã góp phần giảm tải cho đường bộ.

Cụ thể, năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 19% so với năm 2017. Hành khách qua cảng đạt 5,8 triệu hành khách, tăng 28,9% so với năm 2017.

Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2018 ước đạt: 17,8 triệu TEUs, tăng 24% so với năm 2017; hàng lỏng ước đạt 72,5 triệu tấn, tăng hơn 10 triệu tấn so với năm 2017; khối lượng hàng khô thông qua cảng năm 2018 ước đạt 272,6 triệu tấn, tăng 28% so với năm 2017.

Việc kết nối vận tải giữa đường biển với đường thủy nội địa đã phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là nếu như năm 2016, lượng hàng thông qua cảng biển của phương tiện thuỷ nội địa chỉ đạt 97,5 triệu tấn; tỷ trọng so với tổng lượng hàng hoá thông qua cảng biển là 21,2% thì đến năm nay con số này đã tăng trưởng rõ rệt, với các chỉ số tương ứng là 171,6 triệu tấn và 32,7%.

“Tỷ trọng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển của phương tiện thủy nội địa đã tăng 11,5% trong giai đoạn 2016-2018. Tương ứng tỷ trọng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của phương tiện đường bộ đã giảm 11,5% trong thời gian này”, ông Sang cho biết.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Hàng hải cũng nhìn nhận, so với tiềm năng của hệ thống sông ngòi tự nhiên cuả đất nước, khả năng kết nối giữa hàng hải và đường thủy nội địa vẫn chưa được phát huy tương xứng do thiếu các bến cảng chuyên dùng phục vụ cho việc kết nối; chiều cao tĩnh không của cầu, đường trên sông ảnh hưởng khả năng khai thác đường thủy; sự không đồng bộ giữa năng lực khai thác cảng thủy nội địa và cảng biển cả về trang thiết bị bốc dỡ, kho bãi…

Về cơ sở hạ tầng, sau gần 20 năm thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (từ năm 2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài bến cảng. Năng lực bến cảng được nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn.

Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Nai, Long An đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT và lớn hơn, phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới. Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm ngàn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bến cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

“Năm 2017, bến cảng Cái Mép Thị Vải - cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận thành công tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải từ 18.300TEU (194.000 DWT). Đây là cơ sở khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, là tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bến cảng chuyên dùng hành khách đã được quan tâm, đầu tư xây dựng tại Hòn Gai - Quảng Ninh và Phú Quốc - Kiên Giang. Khi các bến cảng này hoàn thành cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000GT, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng đường biển”, ông Sang nói.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua của Thủ tướng cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cục Hàng hải Việt Nam.
Ảnh: VGP/Phan Trang.

Chú trọng giao thông kết nối, tăng năng lực cảng biển

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vẫn cho rằng, ngành hàng hải cần phải làm tốt hơn nữa bằng cách định hướng rõ ràng “mình đang ở đâu và mình cần phải làm gì tiếp theo”. Việt Nam là đất nước có hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỉ trọng cao, hầu hết hàng hóa đều phải đi qua cảng biển để vào thị trường nội địa. Vì vậy, hàng hải là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong 5 lĩnh vực của ngành giao thông.

"Nếu chúng ta đã xác định được vị trí của mình như vậy thì ta đã rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong năm 2018 và năm 2019 cũng như những năm tiếp theo phải làm gì? Báo cáo của các đồng chí rất công phu nhưng phần hạn chế chưa tập trung nói đến.

Cảng Cái Mép-Thị Vải tàu siêu lớn đã vào được rồi nhưng nguồn hàng chưa nhiều do thiếu giao thông kết nối. Hiện mới có 9 cảng vụ làm thủ tục công trực tuyến nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, những cảng khác thì sao? Đây là những hạn chế mà ngành hàng hải phải nhìn nhận để đưa ra giải pháp”, Bộ trưởng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 vừa được Cục Hàng hải tổ chức.

Về giao thông kết nối, Bộ trưởng cũng trăn trở về việc, ngành hàng hải vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng vì kết nối với 4 phương thức còn lại, đặc biệt với đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn yếu, tình trạng có cảng, kho bãi nhưng không có đường vẫn còn tồn tại.

“Đối với cảng Lạch Huyện, Cục Hàng hải phải nghiên cứu quy hoạch lại các cảng nhỏ, tập trung lợi thế cho Lạch Huyện phát triển. Phải tính phương án khi cảng Lạch Huyện có nhiều hơn 2 bến cảng như hiện tại thì việc kết nối giao thông sẽ ra sao? Với lợi thế của Hải Phòng, một cảng Lạch Huyện đã đủ đáp ứng hay cần phải xây dựng thêm cảng khác?

Tại khu vực phía Nam, ngành hàng hải cũng phải tham mưu cho Bộ GTVT về việc đường vào cảng Cái Mép - Thị Vải có nên mở rộng để giải quyết tình trạng ách tắc như hiện nay? Có nên hình thành đường sắt, đường thủy nội địa kết nối, gom hàng?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc phát triển cảng biển phải đồng đều. Ngành hàng hải phải chú trọng hơn trong nghiên cứu, hình thành cảng biển ở khu vực miền Trung. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển hàng hải, nhưng cảng Cái Cui (Cần Thơ) hiện không hiệu quả, cần thiết phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cầu cảng mới, một cầu cảng tận dụng nguồn lực của các tập đoàn tư nhân.

Gợi ý cho ngành hàng hải, Bộ trưởng nhấn mạnh về việc muốn thu hút hàng hóa và các hãng tàu lớn trên thế giới mở tuyến đến Việt Nam, tất cả các cảng biển Việt Nam, các doanh nghiệp ngành hàng hải phải nhanh chóng hình thành một cơ sở dữ liệu lớn để quá trình giám sát, thực hiện thủ tục hành chính tại cảng được tự động hóa hoàn toàn.

Tại Hội nghị triể khai nhiệm vụ ngày 2/1 của Cục Hàng hải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Cờ thi đua của Thủ tướng cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh và Cục Hàng hải Việt Nam. 
 
Phan Trang
296 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 688
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 688
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77170372