Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình vấn đề tỉ lệ thu ngân sách/GDP 

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa giải trình tại Quốc hội về các băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc tỉ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam ở mức cao, chính sách thu thuế đang là “tận thu” doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, vào sáng 31/10, đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) cho rằng nợ công và nợ Chính phủ trong năm 2017 tăng so với các năm trước (về giá trị tuyệt đối- PV) trong khi thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 60,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 66,3%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,1%.

“Số thu hầu hết đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước. Như vậy, ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm”, đại biểu Lê Minh Chuẩn lo lắng.

Đại biểu cho rằng với thực trạng thu không đủ chi nên Chính phủ đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao, làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Thực tế, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp đã phải chịu từ 12-15 loại thuế và phí, dẫn đến giảm sự đóng góp cho ngân sách Nhà nước”, đại biểu Chuẩn nói và dẫn báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới WTO ban hành vào tháng 4/2017cho biết tỉ lệ thu ngân sách /GDP của Việt Nam cao thứ 3 khu vực (ở mức 20%), sau Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí/GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác.

Đại biểu đặt vấn đề: “Phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay cho việc tận thu, hành thu doanh nghiệp sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu”.

Chiều nay (1/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới được Quốc hội đề nghị giải trình và Bộ trưởng khẳng định “Tỉ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao như đại biểu (Lê Minh Chuẩn-PV) nói”.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích, năm 2017 tỉ lệ thu ngân sách/GDP là 23,9% GDP, trong đó tỉ lệ thuế, phí là 19,7% GDP. Dẫn báo cáo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng cho biết tỉ trọng này tại các nước EU là 44,3%; các nước phát triển trong khu vực là 25,5%; Ấn Độ 21,3% GDP và Malaysia 23,4% GDP...

Có số liệu đó là do: “Khi so sánh với các nước phải đặt trong bối cảnh cùng tiêu chí đồng nhất cùng bản chất vì số thu ngân sách nhiều nước thường là số thu của Trung ương, trong khi Việt Nam lại lồng ghép 4 cấp - Trung ương, tỉnh, huyện, xã”, ông Dũng nói thêm.

Về phạm vi thu ngân sách Việt Nam gồm cả thu từ dầu thô, sử dụng đất, nhà thuộc quyền sở hữu Nhà nước, trong khi các nước các khoản thu này không tính vào thuế, phí. Có nước còn tính bảo hiểm xã hội vào khoản thu ngân sách, còn Việt Nam không tính khoản này.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sắc thuế sẽ được quy định theo từng chiến lược, thời kỳ của mỗi quốc gia. “Quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp trong khu vực, thế giới. Chúng tôi có dữ liệu so sánh, nếu đại biểu Chuẩn cần nghiên cứu chúng tôi sẽ gửi đại biểu”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính còn cho rằng, vừa qua Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế nhanh, mạnh hơn lộ trình so với dự kiến... Do đó cùng với giảm dầu thô nên tỉ lệ huy động từ thuế, phí giảm nhanh. Dự kiến năm 2018, tỉ lệ huy động từ thuế, phí là 19,7% giảm hơn mức 20,1% năm 2017...

Chỉ số thu ngân sách là rất tích cực

Cũng trong ngày 31/10, ngay sau phần phát biểu của đại biểu Lê Minh Chuẩn, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng thu ngân sách Nhà nước còn tồn tại rất cơ bản cần phân tích và đánh giá một cách nghiêm túc để trả lời hai câu hỏi, đó là "tại sao tăng trưởng kinh tế chúng ta đạt nhưng thu ở cả ba khối doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh đều không đạt? Tại sao mức huy động từ thuế, phí/GDP nhiều năm không đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng đề ra, thậm chí có năm rất thấp, như năm 2018 dự toán còn thấp hơn năm 2017. Tồn tại trên thuộc về công tác chỉ đạo thực hiện hay thuộc về chính sách tài khóa, mà trực tiếp là chính sách thu về tài chính”, đại biểu đặt vấn đề.

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự kiến là 6,7% nhưng dự toán thu ngân sách chỉ tăng 2,3%, quy mô GDP ngày càng tăng nhưng thu ngân sách lại không theo kịp tốc độ tăng trưởng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chậm được cải thiện, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Ngân sách Nhà nước là thước đo quan trọng của tăng trưởng và hiệu quả nền kinh tế.

Năm 2017, Quốc hội xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát dưới 4%. Nếu đạt 2 chỉ tiêu này thì thu ngân sách tăng 2,3% so với năm 2016 là tích cực. Như vậy, thu ngân sách năm 2017 tăng 10,1% so với năm 2016, trong đó thu nội địa tăng 14,1%, tăng cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và tăng lạm phát, bù đắp lại mức giảm thuế do các quy định của hội nhập và giảm khai thác dầu thô.

Bóc tách mức tăng của nguồn thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán thu ngân sách năm 2017 giao cho các khối doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân ở mức rất cao so với năm 2016 lần lượt là các mức tăng 18%, 22,9%, 23,8% - cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế. Dự kiến cuối năm 2017, thu ngân sách từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 16,9% so với 16% của năm 2016, khu vực ngoài quốc doanh tăng 23%…

Sang năm 2018, tăng trưởng thu ngân sách là 6,8% cũng là chỉ số rất tích cực, riêng thu nội địa tăng 12,8%. Sau khi bù trừ thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu thì thu ngân sách tăng 6,4%.

Thành Chung

445 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 410
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 410
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84607655