Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khoảng 3 triệu người sẽ được nghỉ hưu sớm hơn khoảng 5 năm 

(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hiện nay chúng ta có 1810 ngành nghề, lĩnh vực công việc nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn. Số này khoảng 3 triệu người, họ chắc chắn sẽ được nghỉ hưu sớm hơn khoảng 5 năm.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí . (Ảnh: KT) 

Sáng 20/11, với 435/353 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 90,06% số đại biểu có mặt), Quốc hội đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trao đổi với báo chí về những nội dung nổi bật của Luật.

Rất nhiều điểm mới

Bộ trưởng LĐ– TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sự kiện Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng quan hệ lao động và phát triển lực lượng lao động của chúng ta.

Theo Bộ trưởng, Bộ luật có nội dung, phạm vi rất lớn và tác động sâu rộng đến hàng chục triệu người lao động bao gồm cả lực lượng có quan hệ lao động, khu vực phi chính thức và khu vực chính thức. Đặc biệt, đối với Bộ luật lần này, phạm vi, và đối tượng mở rộng ra áp dụng trong chừng mực nào đó, cho cả đối tượng khu vực phi chính thức và không có quan hệ lao động.

Bộ luật thông qua kỳ này có rất nhiều điểm mới, đặc biệt có tới hơn 10 điểm mới với người lao động và gần 10 điểm mới với tổ chức người đại diện cũng như tổ chức của người lao động.

Theo Bộ trưởng, ở đây, có những vấn đề có tính chất lịch sử. Có nội dung  tác động đến vài chục năm đối với chúng ta. Chẳng hạn, những vấn đề liên quan đến tổ chức người đại diện của người lao động tại cơ sở; vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm; vấn đề phát triển quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; những vấn đề liên quan đến tiền lương, thương lượng, những vấn đề phát triển doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho thương lượng tập thể trong thời gian tới…

“Đây là những vấn đề rất lớn, có tác động sâu rộng. Mặt khác, đây cũng là dịp chúng ta đưa những vấn đề mà chúng ta đã cam kết trong các Công ước Quốc tế, cũng như các Hiệp định thương mại. Trong sân chơi chung, chúng ta nội luật hóa để phù hợp với vận hành chung của quốc tế nhưng cũng là để phù hợp với điều kiện của chúng ta” – Bộ trưởng khẳng định.

Khoảng 3 triệu người sẽ được nghỉ hưu sớm hơn khoảng 5 năm

Liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng cho biết, điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là một chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, là tầm nhìn có tính chất chiến lược, nhằm đi trước, đón đầu với việc thách thức già hóa dân số, cũng như giải quyết một mục tiêu bao trùm vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo tăng trưởng xã hội, nhưng cũng phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm; bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời giải quyết hài hòa, bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới, nhưng cũng chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ quốc gia nào, vì tác động đến hàng chục triệu người lao động. Và trong mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng cụ thể, việc ứng xử phải khác nhau.

Quốc hội kỳ này thông qua điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng dần, bắt đầu từ tháng 1/2021. Chúng ta sẽ điều chỉnh dần tuổi nghỉ hưu để tới năm 2028 thì nam sẽ đạt độ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62, và nữ đến năm 2035 sẽ đạt ở độ tuổi 60.

Đây là lộ trình tăng dần đều, tăng chậm theo hướng với nam thì mỗi năm 3 tháng, và đối với nữ thì mỗi năm 4 tháng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung và điều chỉnh trong điều kiện những người lao động bình thường. Còn lại đối tượng đặc thù sẽ có hướng dẫn rất cụ thể.

“Chẳng hạn, hiện nay chúng ta có 1810 ngành nghề, lĩnh vực công việc nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn. Số này khoảng 3 triệu người, họ chắc chắn sẽ được nghỉ hưu sớm hơn khoảng 5 năm và thậm chí được nghỉ sâu hơn” – Bộ trưởng cho biết.

Mong giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt

Xoay quanh vấn đề giờ làm việc bình thường, dù Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa thông qua vẫn giữ nguyên giờ làm việc bình thường. Song Quốc hội sẽ đưa vào Nghị quyết giao Chính phủ có lộ trình đánh giá tác động và xem xét việc giảm giờ làm.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh giờ làm việc bình thường là vấn đề rất lớn, tác động rất sâu rộng đến tất cả các chủ thể, đối tượng- từ người lao động, từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các Hiệp hội … Quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, đến thu ngân sách… do đó cần phải có đánh giá toàn diện, sâu sắc, đầy đủ vấn đề này.

“Chính phủ đề nghị và Quốc hội thống nhất ghi vào Nghị quyết giao Chính phủ nghiên cứu xem xét để có lộ trình đề xuất Quốc hội giảm giờ làm ở thời điểm thích hợp. Còn thời điểm thích hợp nào thì Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá và trên cơ sở từng giai đoạn cụ thể để trình Quốc hội xem xét” – Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi cũng mong muốn nếu điều kiện kinh tế xã hội phát triển tốt lên, thì có thể giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt”.

 
Phạm Thanh
246 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 888
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 888
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85259306