Bộ trưởng Công Thương: Mỗi tháng cuối năm cần xuất khẩu 23-24 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, căn cứ vào kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm và bám sát kế hoạch cả năm thì từ nay đến cuối năm khả năng ngành Công Thương sẽ hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội giao mặc dù còn nhiều khó khăn. Riêng với xuất khẩu, trung bình mỗi tháng còn lại phải đạt quy mô khoảng 23-24 tỷ USD.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích về thị trường những tháng cuối năm 2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu

Theo kịch bản tăng trưởng năm 2019 của Chính phủ nhằm đảm bảo đóng góp vào mức tăng trưởng GDP của cả nước ở mức 6,6% - 6,8%, ngành Công Thương có 3 nhóm chỉ tiêu được giao gồm: Chỉ tiêu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp; Chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu và cán cân thương mại; Chỉ tiêu về tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng.

“Trong bối cảnh đó, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thương mại là điểm đáng ghi nhận, cơ bản đạt được theo chỉ tiêu kịch bản đề ra”, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 4/7.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá tuy thấp hơn kế hoạch song vẫn là mức tăng trưởng tích cực khi đạt 7,1% và đi kèm với đó, đạt mục tiêu kép khi kiểm soát nhập siêu với thặng dự thương mại ở mức 1,6 tỷ USD.

“Như vậy, nếu căn cứ vào kết quả trong 6 tháng đầu năm và bám sát kế hoạch cả năm thì trong 6 tháng cuối năm có khả năng đạt được mục tiêu dù sẽ rất khó khăn. Muốn vậy, trung bình mỗi tháng còn lại phải đạt quy mô xuất khẩu khoảng 23-24 tỷ USD”, Bộ trưởng nói.

Trong lĩnh vực công nghiệp, theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, góp phần vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, với một số công trình, dự án lớn, một số cơ sở công nghiệp chế biến, chế tạo được đưa vào hoạt động sẽ mở rộng năng lực sản xuất, xuất khẩu và sẽ có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng chung.

Về những nhiệm vụ lớn trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến việc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã và sẽ có tác động rất mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình như thị trường Trung Quốc.

Do đó, cần tập trung các giải pháp để khơi thông các thị trường này, không chỉ mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch (hiện có 8 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc) mà cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ mở cửa thị trường, mặt khác đẩy nhanh tiến trình phối hợp với phía Trung Quốc để cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này.

Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì và phát triển, mở rộng hoạt động giao thuơng với các thị trường xuất khẩu đang phát triển tích cực, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FDA), trong thời gian qua đều có tăng trưởng cao, như Canada, Chile, hay Mexico.

Đối với mặt hàng thép đang có nguy cơ bị các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ trưởng phân tích, nguồn gốc của mặt hàng thép không phải từ Trung Quốc mà từ các quốc gia khác, như vậy, đây là nguy cơ kép vì trước đây Mỹ chấp nhận nguồn gốc nguyên liệu này nhưng hiện nay lại không chấp nhận. Bộ Công Thương đã có Đề án về phòng vệ thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành siết chặt quản lý, đảm bảo đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng phải bền vững và bảo vệ sản xuất trong nước.

Báo cáo Chính phủ giải toả công suất cho điện mặt trời

 

Về vấn đề cung cấp điện cho nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện đã có thêm công suất 5.000 MW nguồn điện mặt trời chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, nhiều dự án điện mặt trời đang gặp khó khăn do hệ thống hạ tầng để giải toả công suất, một số dự án chỉ giải toả được 30-40% công suất.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đang cử một số đoàn công tác làm việc trực tiếp với các địa phương và sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể vào tuần tới.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện nghiêm, đúng các giải pháp, theo đúng lộ trình các kế hoạch đầu tư hệ thống trạm, lưới điện để đảm bảo giải toả công suất điện. EVN cũng phải có giải pháp kỹ thuật cụ thể đảm bảo sự hài hoà trong việc giải toả công suất và đưa điện lên lưới.

“Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ đưa một số dự án mới vào để giải toả công suất, tăng nguồn phát để cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm”, Bộ trưởng nêu kiến nghị.
 

Phan Trang
435 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1401
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1401
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156096