|
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP |
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong buổi họp khẩn cấp chiều ngày 7/3 ngay khi phát hiện ca nhiễm virus COVID-19 thứ 17 tại Thủ đô Hà Nội.
Hàng hoá không khan hiếm
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi nhận thông tin TP. Hà Nội có 1 trường hợp nhiễm với COVID-19, Vụ Thị trường trong nước đã có văn bản gửi các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn TP. Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Sở Công Thương TP. Hà Nội trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết, từ 22h30 ngày 7/3, UBND TP. Hà Nội đã họp với các sở, ban ngành và yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội đảm bảo nhu cầu cho người dân và trấn an tâm lý người tiêu dùng.
“Trong bất kỳ tình huống nào các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, nhu cầu tăng đột biến. Hà Nội quyết tâm không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ, không để các kệ bị trống hàng, thiếu hàng”, bà Nguyễn Thị Phương Lan cho biết.
Sở Công Thương TP. Hà Nội cũng khuyến cáo người dân mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, tránh hoang mang lo lắng vì lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào.
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng ngày 7/3 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước. Trong ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong Thành phố để cung cấp cho người dân.
Cụ thể, Hệ thống siêu thị BigC đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần; làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng; huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm; cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới.
Công ty BRG Retail đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía nam ra Hà Nội.
Công ty MM Megamarket khẳng định đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường. Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm. Tại các siêu thị, công ty sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Cả hệ thống vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục bổ sung, cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, thậm chí phải tính đến những hệ quả đi kèm nếu phải cách ly hàng ngàn người.
"Không nên bi quan nhưng tuyệt đối không thể chủ quan trong tình hình hiện nay. Việc xây dựng kế hoạch rất quan trọng nhưng quan trọng không kém là khâu tổ chức thực hiện, cần cả hệ thống vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp chặt với Tổng cục Quản lý thị trường đảm bảo cung cầu, hàng hóa đầy đủ, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ, đẩy giá lên cao, kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.
"Phải xác định mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa thực hiện mục tiêu kế hoạch của cả năm, nhưng cũng phải thực hiện tốt mục tiêu thứ 3 là đảm bảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Vụ Thị trường trong nước và Văn phòng Bộ cung cấp thông tin điều hành từ Chính phủ, Bộ Công Thương đến địa phương và các doanh nghiệp, người dân kịp thời, chính xác và minh bạch. Vụ Thị trường trong nước chủ động cùng địa phương làm việc với hệ thống doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá, không để thiếu hàng, sốt giá, vì đây là vấn đề vô cùng cấp thiết, cả hệ thống cần vào cuộc với trách nhiệm cao.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
Đối với Sở Công Thương thành phố Hà Nội, cần bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.
Phan Trang