Bộ trưởng Công Thương: Chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi để “bứt phá” 

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù khó khăn trước mắt là rất lớn, nhưng chúng ta cũng có những yếu tố thuận lợi và cơ hội tốt để có thể bứt lên phát triển trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” diễn ra sáng 9/5.

Bộ trưởng nhìn nhận mặc dù Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 trong 4 tháng đầu năm, song về cơ bản, những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng trong thời gian tới (như tỷ giá, lãi suất, cán cân thanh toán, cán cân thương mại...) được giữ vững.

“Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Về giải pháp, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, trọng tâm hiện nay Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội để rà soát, nắm bắt được thực trạng cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Từ đó, tiếp tục thực có chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.

Tháo gỡ khó khăn ở thị trường truyền thống

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, công việc trước tiên cần tập trung xử lý là tháo gỡ những khó khăn ở các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Bởi hiện phía bạn đã có sự kiểm soát tốt về dịch bệnh, khôi phục vụ lại các hoạt động kinh tế và nhu cầu hấp thụ hàng hóa tăng trở lại.

Đối với thị trường này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao. Bộ Công Thương và các bộ ngành và các địa phương dọc tuyến biên giới phía Bắc trong thời gian qua đã có sự phối hợp rất chặt chẽ để giải tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc cho xuất nhập khẩu.

“Các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý theo dõi thông tin cập nhật thường xuyên từ phía Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT để có kế hoạch đưa hàng lên cửa khẩu một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cả về trước mắt cũng như lâu dài, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định về bao gói, nhãn mác... để chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch”, Bộ trưởng nhắn nhủ tới các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ cho quá trình này, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT để đẩy nhanh quá trình đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc sớm cho phép một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với thị trường châu Âu (EU), Bộ trưởng nhận định, đây là thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới bởi diện mặt hàng rộng và nội dung cam kết rất sâu theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Dự kiến, Quốc hội xem xét, thông qua Hiệp định này tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tới đây. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể tận dụng, khai thác các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA ngay từ tháng 7/2020.

Đối với các khu vực thị trường khác, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở các nước để rà soát, nắm chắc tình hình và lên phương án nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh và phục vụ nhu cầu thiết yếu sang thị trường các nước trong giai đoạn sau khi dịch bệnh kết thúc.

Về dài hạn, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các đơn vị đang xây dựng kế hoạch tổng thể hơn để tái cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới. Qua đó cập nhật, xác định lại vị trí và giải pháp cụ thể cho từng thị trường, từng nhóm mặt hàng để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển thương mại điện tử tại thị trường nội địa

 

Đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhất quán yêu cầu chung mà Bộ Công Thương đặt ra là phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và tổ chức lại thị trường trong nước hoạt động hiệu quả hơn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân trong và cả sau dịch, tiếp tục có những giải pháp để khai thác triệt để những cơ hội, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trong nước để vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động kinh doanh, phục hồi và dần đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Trong đó, Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Công Thương chuẩn bị phương án thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ ngay khi các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm nông, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước: chủ động tổ chức thực thi chặt chẽ các qui định của pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá, xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật, triển khai hiệu quả công cụ ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) đối với các doanh nghiệp phân phối FDI để bảo vệ thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại trên thị trường. Lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật đối với hoạt động phân phối hàng hoá.

Phan Trang

204 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1153
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1153
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153394