Bộ trưởng Bộ Y tế: Tôi kêu gọi lương tri từ những người sản xuất thực phẩm 

(ĐCSVN) – Đó là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phần giải trình trước Quốc hội về các giải pháp liên quan đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội trường (Ảnh: PV)

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ đồng tình với Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng như những kiến nghị của các đại biểu liên quan đến tình trạng an toàn thực phẩm hiện nay. Bộ trưởng cho biết, theo đánh giá của quốc tế, hệ thống quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam khá đồng bộ và đầy đủ. Chính vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta thực thi các quy định đó như thế nào. 

“Có thể thấy chúng ta đang rất quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm. Điều này được thể hiện thông qua việc Thủ tướng Chính phủ đã ra 2 Nghị quyết về nội dung an toàn thực phẩm, cũng như các hội nghị liên ngành do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức một số mô hình mẫu về an toàn thực phẩm, cụ thể như mô hình 1 đơn vị quản lý như ở TP Hồ Chí Minh hay giải quyết thức ăn đường phố với Hà Nội”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra hiện nay là tại sao hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ nhưng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra. “Tôi cho rằng nguyên nhân thì có nhiều song chủ yếu đến từ phía các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Rõ ràng, nhiều cơ sở sản xuất đã coi thường sức khỏe của người dân cũng như coi thường quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này giải thích tại sao có hiện tượng một hộ sản xuất mà có 2 luống rau, 2 chuồng lợn, 2 chuồng gà. Bên cạnh đó, việc xử phạt các hành vi vi phạm còn quá nhẹ và chưa có căn cứ pháp lý để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải.

Một lý do nữa khiến Việt Nam đang gặp khó trong quản lý an toàn thực phẩm là tình trạng thiếu nguồn nhân lực chuyên trách. Cụ thể, cả nước chỉ có 350 người quản lý ở cấp Trung ương và con số này ở cấp tỉnh, cấp huyện là 2.500 người. Trong khi đó riêng Bắc Kinh (Trung Quốc) đã có 5.000 thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, Băng Cốc (Thái Lan) là 3.000 người.

Để giải quyết thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, bên cạnh trách nhiệm của Trung ương, các địa phương cũng cần thấy rõ được vai trò của mình khi để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, lực lượng cấp phường, xã phải là những người đóng vai trò trước hết trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất với Chính phủ cho nhân rộng mô hình thanh tra an toàn thực phẩm cấp huyện, xã, bởi sau 2 năm thực hiện, mô hình đã đạt hiệu quả rõ rệt, thông qua thanh tra, nhiều sai phạm đã bị phát hiện và xử lý kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 38 về thi hành Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, bổ sung vào Bộ luật Hình sự các quy định xử lý vi phạm hình sự về an toàn thực phẩm.

"Ngoài những giải pháp trên, chúng ta cũng cần tính đến phương án xã hội hóa nguồn kinh phí và nhân lực làm việc trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó có tính đến sử dụng các lực lượng cơ sở như: công an xã, tổ trưởng tổ dân phố, công an bán chuyên trách…", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết./.

Nhóm PV
501 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 735
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 735
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76656784