Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao đổi thông tin với báo chí ngày 14/6 - Ảnh: VGP/HM
Trao đổi với báo chí ngày 14/6, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tiêm chủng mở rộng là điểm sáng của ngành y tế Việt Nam trong bảo vệ sức khoẻ của trẻ em và phụ nữ. Đây cũng là trách nhiệm của ngành y tế, không có hiện tượng Bộ Y tế đùn đẩy việc xuống địa phương hay do sợ trách nhiệm nên Bộ Y tế đẩy việc.
Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã làm việc và thống nhất báo cáo với đoàn giám sát của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương để Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng một cách hiệu quả và thống nhất trên toàn quốc.
"Trong chiều nay, Bộ Y tế có cuộc làm việc với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Như vậy, việc triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ không còn vướng mắc", Bộ trưởng cho biết.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã có những chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng văn bản bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai trên toàn quốc.
Bộ Y tế cũng đã rà soát được số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, 9 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, hiện đã hết vaccine DPT (mũi tiêm nhắc lại cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi). Thời gian thiếu vaccine nay vẫn nằm trong khoảng thời gian trẻ chưa đến thời hạn tiêm nhắc lại (từ 18 đến 24 tháng tuổi) vì tháng 3 vừa qua, chúng ta đã thực hiện tiêm cho trẻ.
Vì vậy, ngay sau khi triển khai thực hiện đấu thầu, mua sắm vaccine thì chúng ta vẫn kịp có vaccine DPT để tiêm cho trẻ đến 24 tháng tuổi. Các nhà sản xuất vaccine DPT cũng khẳng định, luôn sẵn sàng cung ứng ngay vaccine này cho Chương trình tiêm chủng mở rộng khi có quyết định về thực hiện đấu thầu, mua sắm.
8 loại vaccine khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cơ bản không thiếu từ tháng 7 đến tháng12 tới. Hiện nay, các trạm y tế xã vẫn tiêm bình thường cho trẻ.
Duy nhất vaccine nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay. Bộ Y tế cho biết, việc thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng xảy ra thời gian qua do không có ngân sách cấp cho Bộ Y tế để mua sắm, đấu thầu, đám phán giá mua vaccine.
Các tổ chức sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vaccine
"Hiện nay, nguồn ngân sách đã giao cho Bộ Y tế, vì vậy chúng tôi đã chủ động giao các đơn vị xây dựng các phương án giá. Bộ cũng đã thành lập 2 tổ thẩm định giá và gửi sang Bộ Tài chính để làm căn cứ mua sắm, đấu thầu đối với các vaccine; có căn cứ đặt hàng đối với vaccine đặt hàng.
Trả lời báo chí về việc từ nay đến lúc mua được vaccine theo ngân sách Trung ương thì làm thể nào để bảo đảm được vaccine tiêm cho trẻ em, Bộ trưởng cho biết, đây là việc mà Bộ rất đau đáu. Bộ đã làm việc với các đối tác, đến thời điểm này, tổ chức WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, tổ chức WHO tại Việt Nam và UNICEF đã thống nhất tìm nguồn vaccine cho Việt Nam.
Các tổ chức sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vaccine 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, cộng với hơn 65.000 liều từ các nguồn tài trợ trong nước, chúng ta sẽ đảm bảo được số vaccine ưu tiên tiêm cho trẻ ở độ tuổi tiêm vaccine này.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ ưu tiên phân bổ số vaccine này cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện khó khăn-nơi trẻ em khó tiếp cận nguồn vaccine dịch vụ. Hiện, các đơn vị của Bộ đang tiến hành các thủ tục để tiếp nhận nguồn hỗ trợ này.
Hiền Minh