Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 không thể kết thúc trong năm 2021 

(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện 12/13 tỉnh, thành phố đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, riêng tại Hải Dương tình hình dịch vẫn phức tạp. Do đó, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19, coi chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2021.

Ngày 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế - Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước.

Cùng dự tại điểm cầu Bộ Y tế có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn. Tại các điểm cầu địa phương có sự tham dự của các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. (Ảnh: ĐT)

Chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong quý I/2021

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là trong quý I/2021 phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. Coi công tác phòng, chống dịch không thể kết thúc được trong 6 tháng đầu năm và ngay cả trong năm 2021.,vì thế, Bộ chính trị yêu cầu tất cả các cấp uỷ tăng cường công tác phòng, chống dịch.

“Chúng ta phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không được chủ quan lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn 4 tại chỗ, là phương châm chống dịch đã quán triệt từ 2020 đến nay, để khi dịch xảy ra không bị động”- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua có thể nói chúng ta đã có cái Tết an lành nhưng có một số địa phương đã phải căng mình đối phó với dịch bệnh.

Với đợt dịch lần thứ 3 này, như ban đầu các chuyên gia nhận định là đợt dịch tương đối phức tạp vì biến chủng của Anh tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. Cũng vì thế, trong thời gian ngắn, Việt Nam phát hiện nhiều ca bệnh, đặc biệt ổ dịch xảy ra trong khu công nghiệp, tất cả các tỉnh, thành phố đều có khu công nghiệp. Từ đó có thể thấy dịch diễn phức tạp như thế nào.

“Đến nay Hải Dương ghi nhận đến 575 ca mắc, vượt con số của ổ dịch tại Đà Nẵng với 389 ca. Số ca mắc trung bình trong ngày của Hải Dương bao giờ cũng cao hơn, chứng tỏ tốc độ lây lan của chủng này mạnh hơn, nhanh hơn. Do đó, đề nghị Hải Dương tới đây tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt với khu vực Chí Linh”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp, 12/13 địa phương hiện nay cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Với Hải Dương, tới đây phải tăng cường hơn. Bộ Y tế đang tiếp tục cử các đoàn hỗ trợ cho địa phương này.

Còn tình trạng lây nhiễm chéo do quản lý chưa nghiêm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương một số điểm như:

Thứ nhất, các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở địa bàn của mình. Thực tế, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Gia Lai là địa phương tưởng chừng không có ca bệnh nhưng vẫn xảy ra. Một số tỉnh, thành phố khác cũng tương tự.

“Vì vậy trong tư tưởng, kế hoạch chúng ta luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy mới không luống cuống và chủ động đối phó khi có dịch”-Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, cần chuẩn bị tất cả kịch bản khi bùng phát dịch. Qua thực tiễn, chúng tôi thấy có mấy điểm xin nhắc các địa phương.

Đầu tiên là phải chuẩn bị kịch bản về cách ly, giãn cách. Cụ thể, nếu số lượng F1 phải cách ly ít thì như thế nào, nhiều thì như thế nào, trong thời điểm cách ly đột ngột rất đông người thì ứng xử ra sao nếu không sẽ luống cuống, phải chuẩn bị tất cả các cơ sở có thể thực hiện được cách ly. Rồi khi dịch xảy ra trường học, bệnh viện, khu công nghiệp thì phải cách ly như thế nào...? Như tại Hải Dương, số lượng F1 vượt xa con số của Đà Nẵng. Ngay từ ban đầu phải cách ly 2340 trường hợp F1. 

Quan điểm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế là phải kiên quyết cách ly triệt để, an toàn F1 để tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

“Vì thế, đề nghị các địa phương kiểm tra toàn tỉnh những cơ sở nào có thể sử dụng để cách ly, kịch bản cách ly ở khu vực đó về giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe...

Đặc biệt, trong cách ly làm sao phối hợp chặt chẽ với bên quân đội, để lực lượng quân đội điều hành toàn bộ cơ sở cách ly. Trên thực tế tại các khu cách ly dân sự vẫn xảy ra việc thực hiện chưa nghiêm nên việc lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong khu vực này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành y khẳng định: Nếu không chủ động, sẽ rất bối rối, khó thực hiện khi yêu cầu các biện pháp phải nhanh, thần tốc.

“Virus lần này là virus biến đổi, tốc độ lây lan nhanh hơn 70%. Chúng ta phải thần tốc chặn các nguồn lây, nếu chậm là đuổi theo dịch, không chặn được dịch; càng đuổi chúng ta càng đuối”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, Bộ Y tế cũng đã liên tục có hướng dẫn, đúc rút bài học kinh nghiệm từ các đợt phòng chống dịch trước đó làm thế nào để quản lý từng hộ dân để nếu xảy ra thì biết được người đi người đến..., phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.

Riêng Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý phải thực hiện nghiêm hơn vấn đề giãn cách xã hội, không để dịch lây nhiễm trong khu phong tỏa, không để gia đình này vẫn giao lưu với gia đình khác.

Thứ ba, theo Bộ trưởng, nếu chỉ 1-2 địa phương có dịch thì Bộ Y tế có thể đáp ứng được nhưng nhiều địa phương có dịch thì sẽ rất khó khăn.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chuẩn bị các phương án xét nghiệm, các kịch bản xét nghiệm nhiều hơn. Phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn, công tác xét nghiệm phải đáp ứng theo mức độ diễn tiến của dịch. Đồng thời phải tập huấn cho tất cả các cán bộ y tế trên địa bàn về lẫy mẫu, chia nhỏ để đi lấy mẫu xét nghiệm. Các bệnh viện tại các địa phương cần chủ động xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không chủ quan.

“Vai trò của việc xét nghiệm nhiều khi là mấu chốt của việc phòng chống dịch. Phải xét nghiệm diện rộng thì ngay lập tức mới chặn được dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Thứ tư là chuẩn bị phương án điều trị, các cơ sở y tế phục vụ khám chữa bệnh bình thường nếu xảy ra chuyển bệnh nhân đi đâu. Vì thế, đề nghị khi phát hiện ổ dịch, nhiều ca bệnh, các tỉnh phải có nhiều phương án.

 Trực tuyến tại các điểm cầu địa phương ngày 19/2. (Ảnh: ĐT)

 Có ít nhất 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có tờ trình Bộ Chính trị về vấn đề vắc xin phòng COVID-19. Tinh thần chung của Bộ Chính trị là phải đảm bảo vắc xin để sử dụng cho người dân. Đây là mục tiêu ưu tiên của Bộ Chính trị, làm sao để mỗi người dân có thể tiếp cận vắc xin.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Y tế đã hết sức tích cực phối hợp các tổ chức, công ty đàm phán để sớm có vắc xin cho người dân Việt Nam.

Bộ trưởng thông tin trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho người dân, Việt Nam cần 150 triệu liều. Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, Công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều.

“Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác, một số nước khác để có thêm vắc xin. Tinh thần chung là thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo để đảm bảo vắc xin cho người dân, để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc sử dụng vắc xin tuân thủ theo khuyến cáo của WHO, quy định pháp luật có liên quan, ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ.

Cơ chế cấp phép nhập khẩu vắc xin hiện thực hiện theo cơ chế khẩn cấp. Trong 5 ngày, Bộ Y tế sẽ phải thực hiện tất cả các quy trình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc xin để cấp phép sớm. Tinh thần là giảm thiểu tối đa dịch vụ hành chính trên cơ sở khẩn cấp.

“Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc xin, có thể trao đổi với Bộ Y tế cho vấn đề nhập khẩu để có vắc xin cho người dân. Bộ Chính trị đã có chỉ đạo cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có văn bản chỉ thị cụ thể, làm sao cố gắng để người dân tiếp cận được vắc xin đầy đủ, để tái khởi động kinh tế”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề vắc xin, tại Hội nghi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất thêm, sắp tới khi có vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế cần có chỉ đạo tập huấn, đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc xin.

Việc này sẽ giao Cục Y tế dự phòng, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các địa phương xây dựng giáo trình, tập huấn để khi vắc xin tiêm cộng đồng lượng lớn phải có lực lượng sẵn sàng, không thể trông chờ vào lực lượng y tế dự phòng mỏng như hiện tại./.

 
Đỗ Thoa
224 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 941
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 941
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87135560