|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ cán bộ y tế khi đang khám, chữa bệnh là ở tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế đều có lực lượng công an “cắm chốt”. Ảnh: Tuoitre |
Trước tình trạng các vụ hành hung nghiêm trọng cán bộ y tế liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị các ban, ngành, đặc biệt là công an và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ ngành y tế bảo vệ cán bộ, không để họ đơn độc, trong khi họ đang từng ngày, từng giờ khám, chữa bệnh cho người dân.
Đến nay, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản ký kết với Bộ Công an nhằm bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hành hung cán bộ y tế ngày càng gia tăng, lan rộng. Trước thực trạng này, sự phối hợp, chia sẻ, xử lý giữa các bên chưa hiệu quả. Lực lượng bảo vệ trong các cơ sở y tế rất khó có thể bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế, trong khi đó công an trên địa bàn không đến kịp khi sự việc xảy ra. Vì vậy, theo Bộ trưởng, cách tốt nhất để bảo vệ cán bộ y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ là có sự tham gia của lực lượng cơ động 113.
Cụ thể, các cơ sở y tế cùng công an các tỉnh, thành phố cần phối hợp lập đường dây nóng để khi bệnh viện gọi bất cứ lúc nào là lực lượng 113 sẵn sàng hỗ trợ. Các bệnh viện cũng cần phối hợp với công an lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi hành vi đối tượng gây ra với cán bộ y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn lực lượng công an vào cuộc thực sự, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng hành hung cán bộ y tế.
“Nếu làm quyết liệt sẽ có hiệu quả rõ. Ví dụ tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), nhờ có công an ‘cắm chốt’ tại cơ sở, có đường dây nóng với lực lượng cơ động 113, nên vấn đề an ninh, bảo vệ cán bộ y tế ở đây rất hiệu quả”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Thúy Hà