Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn chiều 13/6.
Ảnh: Bích Liên
Giảm tối đa số phòng lưu trú trong quy hoạch bán đảo Sơn Trà
Gửi đến Bộ trưởng câu hỏi về việc quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Việc lập quy hoạch trên bán đảo Sơn Trà đã đúng chưa, dựa vào tiêu chí nào đưa ra con số 1.600 phòng? Quan điểm của Bộ trưởng xử lý vấn đề hiện nay trên bán đảo Sơn Trà?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, quy hoạch du lịch Sơn Trà được lập đúng trình tự và quy định pháp luật. khu vực này có hơn 4.000 ha, quy hoạch du lịch điều chỉnh 1.056 ha, vì tầm quốc gia không thể ít hơn 1.000 ha. Trước khi Chính phủ ban hành quy hoạch, TP Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch ở Sơn Trà với hơn 5.000 phòng. Đến khi quy hoạch, số phòng rút xuống còn 1.600, sau đó có đề xuất tiếp tục đưa quy mô phòng lưu trú xuống thấp hơn nữa.
Với việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Bộ trưởng trăn trở: Trước đây tôi công tác ở Huế, có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh nên rất thấm thía. Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn, nhưng ưu tiên bảo tồn”. Bộ trưởng nêu rõ từ 1.600 phòng trong quy hoạch có thể giảm tiếp, giảm tối đa, song giảm bao nhiêu thì phải có căn cứ cụ thể.
Đề cập việc Đà Nẵng đã cấp phép cho hơn 5.000 phòng lưu trú, vậy khi giảm số phòng thì xử lý thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Số phòng lưu trú tới đây có thể sẽ giảm rất thấp, trách nhiệm xử lý theo quy định thuộc TP Đà Nẵng và Bộ sẽ phối hợp với địa phương trong quá trình này”.
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" làm giảm vẻ đẹp văn hóa, làm hụt nguồn thu của nhà nước, di tích lịch sử xuống cấp, nghệ thuật truyền thống phai nhạt dần trong thế hệ trẻ…Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biến hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thẻ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên...
Năng lực cán bộ quản lý văn hóa chưa tốt
Chất vấn Bộ trưởng về năng lực quản lý cán bộ của ngành, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cho hay, báo cáo của Bộ trưởng có nói về hạn chế năng lực cán bộ công chức, tư duy quản lý lạc hậu, nặng về xin cho. Tuy nhiên, 7 giải pháp chấn chỉnh lại không có nội dung nào hướng đến thanh lọc xử lý bất cập liên quan đến yếu tố con người. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của mình?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn NgọcThiện chia sẻ: "Sự việc xảy ra trước hết là do năng lực cán bộ, nếu tốt đã không như vậy!".
Bộ trưởng cũng giải thích việc cập nhật 342 bài hát lên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn là những cái sai không đáng có, sai nghiệp vụ sơ đẳng trong quản lý nhà nước. “Vì không ai yêu cầu cập nhật thì lại làm, hơn nữa lại cập nhật vào mục cấp phép. Chúng tôi đã nhận trách nhiệm, đã đề ra giải pháp, kiểm điểm nguyên nhân, từ đó có giải pháp nâng cao năng lực, cần thiết thì thuyên chuyển", Bộ trưởng nói.
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặt câu hỏi xung quanh việc thu tác quyền âm nhạc tại quán cà phê, và trước đó là thu trên đầu ti vi tại các khách sạn, cử tri cho rằng thu như vậy không có căn cứ. Cử tri lo ngại thu như vậy làm cơ hội tiếp cận âm nhạc của người dân sẽ bị thu hẹp, Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay: Thu phí tác quyền khi người sử dụng ca khúc của các nghệ sĩ vì mục đích thương mại. Đó là thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ. Thu phí có cơ sở, cách thu hình thức thu còn một số vấn đề. Vừa qua, Bộ yêu cầu trung tâm dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu như vậy đã đúng pháp luật chưa. Đó là một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hoá.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì có thu ở khách sạn và quán cà phê. “Vừa rồi chúng tôi yêu cầu trung tâm bảo đảm thu đúng theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và có báo cáo giải trình cụ thể với Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) và một số đại biểu về pháp khắc phục mặt trái của lễ hội, Bộ trưởng cho rằng, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội. Trong đó, lễ hội dân gian có hơn 7.000, chiếm 88,36%; lễ hội lịch sử, cách mạng là 332 lễ hội, chiếm 4,16%; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có 11 lễ hội, bằng 0,12%... “Vừa qua chúng ta đã giảm bớt một số lễ hội phản cảm như ở Bắc Ninh, Phú Thọ... Chúng tôi tiếp tục có những giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực lễ hội”, Bộ trưởng cho biết./.
Bích Liên