Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn của Quốc hội đối với nhóm vấn đề này cũng đúng vào Ngày Môi trường thế giới nên đã dành được không ít sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội; các đại biểu đặt câu hỏi ngắn, gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn và nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, thiếu sót, tồn tại và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Trong thời gian qua, công tác quản lý đất đai đã từng bước được triển khai chặt chẽ; kế hoạch sử dụng đất 2016-2020 đã được các địa phương cơ bản hoàn thành; hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xây dựng, triển khai Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050; đang triển khai nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, kiển soát ô nhiễm, phòng chống biến đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập.
Nêu rõ “chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến tích cực cả trước mắt cũng như lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, trước hết cần tập trung rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản; rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT liên quan đến đất đai; việc sử dụng đất công lãng phí; chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương quản lý đất ven sông, ven biển, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai; khẩn trương xây dựng cơ sơ dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu, đổi mới các phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo các tranh chấp khiếu kiện đông người kéo dài liên quan đến đất đai.
Tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu nhạy cảm về môi trường; triển khai quy hoạch về xử lý rác thải; hướng dẫn người dân làm tốt công tác phân loại rác.
Theo dõi chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các khu công nghiệp ven sông, ven biển có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chú ý thanh tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm; sớm xây dựng quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc người nào gây ô nhiễm thì phải trả tiền...
Nguyễn Hoàng