Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Còn hiện tượng trục lợi chính sách 

(ĐCSVN) - Chiều 1/11, trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Cả hệ thống chính trị đều quan tâm đến chính sách người có công. Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đưa vấn đề này tạo thành văn hóa trong ứng xử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều năm cho thấy còn hiện tượng và có hiện tượng trục lợi chính sách.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: quochoi.vn)

Nhiều giải pháp quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) chất vấn Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định: Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động. Vậy vì sao Luật BHXH có hiệu lực đã gần 3 năm nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được ban hành? Vướng mắc do đâu? Trách nhiệm thuộc về Bộ hay thuộc về Chính phủ?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời: Theo khoản 7, Điều 10 Luật BHXH quy định giao cho Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ các biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều biện pháp liên quan, như: Ban hành Nghị định 115 cho phép đóng riêng cho từng trường hợp để giải quyết quyền lợi cho người lao động; tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường các biện pháp tuân thủ trong đóng bảo hiểm bắt buộc và phát triển lực lượng; tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Quốc hội cũng như đã được Quốc hội thống nhất bổ sung tội danh trốn đóng BHXH trong Luật Hình sự.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có một số văn bản chưa đạt như mong muốn. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo nghị định nhằm giải quyết triệt để bảo vệ quyền lợi chính đáng về BHXH của người lao động. Thế nhưng đang gặp 2 vấn đề lớn: Thứ nhất, do xung đột pháp luật, đặc biệt là phương án xử lý đối với quyền và lợi ích của người lao động, mà Luật Ngân sách và Luật BHXH đều không cho phép; thứ hai, vướng về thẩm quyền vì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, Bộ đã trực tiếp báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để lắng nghe trình cấp có thẩm quyền để có phương án phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các chính sách hiện hành và chính sách BHXH.

Không ban hành Luật Người có công

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) đặt vấn đề, hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả ba vấn đề: Xác định đối tượng, thủ tục, quy trình xét công nhận và chế độ người có công. Đặc biệt tình trạng người có công thực chưa được xem xét công nhận, trong khi đó, thực tế nhiều đối tượng trục lợi chính sách người có công diễn ra phức tạp, gây bất bình trong nhân dân mà nguyên nhân chính là chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh.

“Vậy, thưa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh Người có công như thế nào để sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay” - đại biểu Kim Nhung chất vấn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian vừa qua, việc xem xét công nhận người có công được tiến hành theo các quy định hiện hành, đặc biệt giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công đang được tiến hành một cách quyết liệt và từng bước có hiệu quả nhất định. Nhìn tổng thể, có thể thấy chính sách người có công đã đảm bảo một cách nghiêm minh, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm đến vấn đề này và nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đưa vấn đề này tạo thành văn hóa trong ứng xử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều năm thì cho thấy còn hiện tượng và có hiện tượng trục lợi chính sách.

Bộ trưởng cho biết thêm, gần đây, Bộ cũng quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các hiện tượng vi phạm này. Cho đến nay, Bộ và địa phương đã phát hiện và đình chỉ chính sách 6.510 trường hợp, bao gồm thương binh, người hưởng chính sách nuôi thương binh, người tham gia khám chiến bị chất độc da cam…, kết thúc thanh tra đến tháng 8/2018, Bộ đã thanh tra ở 7 quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô, toàn bộ số hồ sơ thương binh lực lượng trong giai đoạn 2015 - 2018, với tổng 66.016 hồ sơ.

Đến nay, Bộ trưởng đã đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng. Trong số này không phải tất cả đều là hồ sơ khai man, có trường hợp khai man, có trường hợp giả mạo; có trường hợp thương binh thật nhưng hồ sơ không đầy đủ cũng phải thực hiện tạm đình chỉ; đã kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Thời gian qua, Bộ và các địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm chính sách người có công, nhất là xử lý về Đảng, về hành chính. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, để kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, bước đầu đã có hiệu quả. Nhiều trường hợp hưởng sai chính sách đã tự nguyện trả lại chính sách.

“Quan điểm của Bộ là không ban hành Luật Người có công vì thực hiện Chỉ thị 14 và chỉ đạo của Thường vụ Quốc hội. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng đã tiến hành quy trình để trình Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công với cách mạng; đồng thời, thời gian tới, sẽ lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm để xem xét xử lý; tiếp tục thanh tra số hồ sơ thương binh còn lại giai đoạn 2015 - 2018 trong quân đội và cả nước.  Cùng địa phương thanh tra toàn bộ 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc hóa học và con đẻ chịu ảnh hưởng chất độc hóa học; tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin của nhân dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời.

4 dự án thua lỗ đã được chuyển cho cơ quan điều tra

Trả lời đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) về tiến độ xử lý các sai phạm tại 12 dự án thua lỗ lớn của Bộ Công Thương, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho biết, trong 12 dự án, TTCP được giao thanh tra 6 dự án và đã có thông báo kết luận với 4 dự án (gồm 3 dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học và dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ). Các kết luận về 4 dự án đã được thông báo theo đúng quy định và hồ sơ đã được chuyển cho cơ quan điều tra.

2 dự án còn lại là dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên và dự án phân đạm Hà Bắc nằm trong dự án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

“TTCP đã tiến hành thanh tra và có dự thảo kết luận, hiện đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sẽ sớm công bố trong thời gian sớm nhất” - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, trong số 6 dự án còn lại, Chính phủ giao thanh tra Bộ Công Thương thanh tra 5 dự án và thanh tra tỉnh Lào Cai thanh tra 1 dự án. Cả 6 dự án này đều đã có kết luận thanh tra. TTCP có trách nhiệm rà soát lại và đánh giá, các kết luận này được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

TTCP mong muốn, các kết luận, kiến nghị của thanh tra tới cơ quan chức năng sẽ được các cơ quan tiếp nhận, xử lý sớm để cùng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm đưa các dự án vào hoạt động, khai thác có hiệu quả./.

Mỹ Anh

326 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 914
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 914
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218366