Trong phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã tập trung chất vấn các nội dung như: Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.

Giao quyền tự chủ cho các trường nghề

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu câu hỏi: Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã được Chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN).  Với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp như hiện nay, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết của Đảng thì Bộ trưởng sẽ tập trung vào những giải pháp cơ bản nào?.

Cũng về vấn đề này, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu phản ánh của cử tri về tình trạng hệ thống đào tạo dạy nghề có quy mô quá lớn, do đó công tác quản lý dạy nghề thiếu tập trung, thống nhất, tình trạng đào tạo mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực thấp. ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình về các vấn đề của ngành đang được xã hội quan tâm.
(Ảnh: KT)

 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Sau khi Chính phủ chính thức phân công Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN thì Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành bàn giao công việc. Ngay sau đó, từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức bắt tay vào thiết kế, tập trung thực hiện chức năng của Bộ. “Thời gian qua, Bộ đã tiến hành rà soát, cập nhật những vấn đề liên quan đến thể chế trình Chính phủ. Bộ đã chủ động ban hành 37 loại văn bản khác nhau, do đó đảm bảo từ 1/1/2017, việc thực hiện Luật GNNN theo đúng các quy định hiện hành. Còn một số nội dung chưa tiến hành được về thể chế mà chúng tôi thấy các văn bản hiện hành của ngành giáo dục có thuận lợi hơn cho học sinh, sinh viên trong giáo dục nghề nghiệp thì chúng tôi xin thực hiện tiếp và đảm bảo sẽ sửa đổi khi thấy cần thiết và có lợi hơn cho học sinh, sinh viên” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra 10 giải pháp cơ bản, trong đó chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá gồm: Xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường tự chủ đối với cơ sở GDNN, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động GDNN; Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng khẳng định, nếu làm tốt 3 vấn đề này,  công tác GDNN sẽ có chuyển biến.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giải trình thêm về việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. Theo Bộ trưởng, việc này nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người lao động, người đào tạo và doanh nghiệp.

Trả lời đại biểu Phạm Thị Thu Trang về tình trạng hệ thống đào tạo dạy nghề có quy mô quá lớn nhưng hiệu quả thấp, Bộ trưởng thừa nhận: “Hiện nay có 1.989 cơ sở GDNN, 997 trung tâm GDNN, còn lại là các trường cao đẳng, trung cấp. Bên cạnh mặt được thì có tình hình đầu tư không đồng bộ, không phù hợp ngành nghề đào tạo và nhu cầu người học dẫn đến 1 số nơi cơ sở vật chất xây dựng to nhưng không sử dụng đến, thậm chí có nơi thiết bị đắp chiếu, cơ sở vật chất cho thuê làm việc khác.”

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng khẳng định, từ nay đến hết quý 3/2017 sẽ trình Chính phủ quy hoạch rà soát lại toàn bộ mạng lưới cơ sở GDNN. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ là tiến hành không lập mới những trường công lập mà không cam kết lộ trình tự chủ. “Từ nay đến năm 2020 những nơi cần thiết thực sự mới lập trường mới và tập trung khuyến khích các trường tư thục, doanh nghiệp để gắn đào tạo chính công nhân, cán bộ cho ngành, lĩnh vực của mình” - Bộ trưởng nói.

Nguyên nhân học viên cai nghiện bỏ trốn

Vấn đề quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước cũng được nhiều ĐB đề cập khi thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ học viên cai nghiện trốn trại.

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; có khoảng 60 ngàn người đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Thời gian gần đây tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh đã để xảy ra sự việc học viên gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương.

Bộ trưởng cho hay, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có địa phương vì muốn trong sạch địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự cho địa phương nên cứ đưa tất cả các em sử dụng ma túy vào, trong khi đó lẽ ra phải phân biệt người sử dụng, người nghiện khác nên dẫn đến quá tải. “Cơ sở ở Đồng Nai chỉ có thể nuôi dưỡng 600 em thì lại đưa hơn 1.400 em vào, trong khi cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở không đảm bảo, dẫn đến bức bối cho các em” - Bộ trưởng ví dụ.

Lý do khác được Bộ trưởng đưa ra là việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật như: việc xác định tình trạng nghiện; việc xác minh nơi cư trú dẫn đến sự bức xúc của các học viên.

Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân quan trọng khác là ở những cơ sở cai nghiện này có khoảng 35-40% các em đã có tiền án tiền sự. Đối tượng này đã lôi kéo, kích động các đối tượng khác.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng, cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy không được phép sử dụng các chế tài để răn đe, trấn áp, xử lý học viên có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở như: chống đối, không tuân thủ quy trình cai nghiện….

Về mặt pháp lý, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, đó là theo quy định thì thời gian cai nghiện ma túy là 24 tháng, “thời gian này là quá dài mà hầu như tỷ lệ cai được rất nhỏ, thời gian sau cai lại 12-24 tháng tiếp theo, chúng tôi thấy không khả thi” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng chỉ ra một trong những nguyên nhân rất quan trọng về mặt pháp lý là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Bộ trưởng chia sẻ: “Một số nước giao việc quản lý đối tượng cai nghiện cho khối tư pháp, nhưng ở nước ta giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Thực tế, bên ngoài Trung tâm thì có sự phối hợp của lực lượng công an, còn từ cổng Trung tâm trở vào thì toàn bộ trách nhiệm giao cho Bộ LĐ-TB&XH. Một ngành dân sự quản lý đối tượng phức tạp thế này thì khó. Trong thực tiễn không khả thi, vừa rồi tôi lắng nghe các địa phương thì thấy ở nơi có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành lao động - công an ở bên trong thì quản lý rất tốt”.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng nêu các giải pháp: Tiếp tục nâng cao nhận thức; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách; tăng cường công tác cán bộ, đào tạo; làm rõ trách nhiệm từng cấp từng ngành; tăng cường công tác tuyên truyền; bố trí đủ kinh phí để thực hiện tốt công tác cai nghiện tại địa phương.../.

Kim Thanh