|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương vừa khai mạc sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và 3 tháng triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đề ra, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 60% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, 67% nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 09/CT-TTg.
Nhìn chung, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát... Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt khá, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%).
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%), là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Về tình hình cuối năm, Bộ trưởng nhận định, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường. Các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 2,6% trong năm 2019, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, trong đó WB và IMF dự báo tăng 6,6%, ADB dự báo tăng 6,8% trong năm 2019.
Về trong nước, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là rất tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực, tuy nhiên, chưa đạt mục tiêu kịch bản cao đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực, các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, nền kinh tế còn gặp khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, nhất là cầu thế giới giảm tác động không nhỏ đến xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh trong nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao.
Nhiệm vụ phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm, tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành đúng tiến độ những nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần ưu tiên những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong 6 tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện, có giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
|
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quý III là quý rất quan trọng, có tính chất quyết định, với mục tiêu tăng tốc, tốc độ tăng trưởng ít nhất đạt 6,91%, đồng thời duy trì mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cần lưu ý một số vấn đề.
Trước hết, cần tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.
Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cần chuẩn bị sẵn các điều kiện để nhanh chóng tái đàn, phục hồi, ổn định sản xuất. Phát huy tốt đà tăng trưởng của ngành thủy sản gắn với ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng, nhưng không đạt tốc độ bứt phá như cùng kỳ năm 2018, do nhiều ngành chiếm tỷ trọng lớn không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như ngành sản xuất sản phẩm máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, dệt, may, da giày... Mặc dù vậy, cần tập trung phát huy dư địa động lực đối với các dự án lớn đã và mới đi vào hoạt động như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhà máy ô tô VinFast..., đẩy nhanh tiến độ các dự án FDI đăng ký mới trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng tới 73,4% tổng vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm.
Các ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định ở mức khá, nhưng dư địa còn nhiều, nhất là phát triển dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, dịch vụ tích hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại; khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý và quản lý hiệu quả các hoạt động dịch vụ mới (như casino, cá cược,…); thí điểm thành công các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), áp dụng hiệu quả các công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng;… việc phát triển các dịch vụ mới kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch bền vững, có chất lượng, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế và trong nước có thể giúp khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao hơn 7%, đáp ứng yêu cầu mục tiêu tăng trưởng trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh có nhiều thách thức do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu thế bảo hộ thương mại cần tập trung các giải pháp duy trì ổn định các thị trường xuất khẩu chủ lực, như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN... kịp thời hóa giải những nguy cơ dẫn tới căng thẳng thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn.
Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ.
Tận dụng tốt những thuận lợi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và đầu tư có hiệu lực; đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, sản phẩm thủy sản; thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đi đôi phát triển thị trường trong nước để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tiến độ nhìn chung còn chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài. Trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt chỉ triển khai thực hiện một số giải pháp như thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Trong đó, đặc biệt lưu ý quy định các dự án nếu đến 30/9 giải ngân đạt đưới 30% sẽ không được tiếp tục bố trí kế hoạch vốn năm sau.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng, thủ tục thanh toán, quyết toán... không để dồn vào cuối năm, tránh tình trạng đùn đẩy, kéo dài thời gian nhằm né tránh trách nhiệm.
UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trong việc hướng dẫn thủ tục thẩm định và phê duyệt dự toán, thanh toán vốn đầu tư đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hướng dẫn lập và thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khẩn trương, quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2019 theo đúng quy định, hoặc có phương án điều chỉnh kế hoạch kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổng hợp để giao nốt kế hoạch vốn năm 2019 đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kết hợp với hạn hán khu vực miền Trung, Tây Nguyên và chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, cần chuẩn bị kỹ các phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai, bão lũ, cháy rừng, giảm tối đa thiệt hại về người, cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn, ổn định đời sống người dân và sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống cháy, nổ, tai nạn giao thông.
Hà Chính