Sáng nay (4/6), Quốc hội bắt đầu bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn (Ảnh: KT)
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để tăng tính đối thoại, nhất là trách nhiệm của người trả lời chất vấn, Quốc hội có sự đổi mới trong hoạt động chất vấn. Lần này, mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, mỗi câu hỏi tối đa 1 phút và Bộ trưởng có tối đa 3 phút trả lời cho một câu hỏi. Nếu có vấn đề cần nói thêm cho rõ, người điều hành phiên chất vấn có thể để Bộ trưởng nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung, bảo đảm đúng thời gian quy định. Bộ trưởng trả lời đi thẳng vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục và lộ trình thực hiện.
Giải quyết BOT trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng (Ảnh: KT)
Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn. Mở đầu phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị, Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT...
Trước khi trả lời 3 đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo một số vấn đề. Đáng lưu ý, Bộ trưởng cho hay, chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhưng còn nhiều bất cập. Việc khai thác các dự án BOT được dư luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ, ngành tiếp thu và rà soát. “Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thay mặt Bộ GTVT nhận trách nhiệm về những yếu kém vừa qua.
Trước phần trả lời của Bộ trưởng về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình, tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm".
Tiếp đó, trả lời đại biểu Phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo luật, giai đoạn vừa qua tổ chức đấu thầu BOT và ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án được duyệt, trong đó có nhiều phần dự phòng như trợ giá, khối lượng và vấn đề phát sinh kinh phí, nên được duyệt bao gồm các khoản phát sinh có giá trị lớn. Căn cứ quy định, Bộ ký hợp đồng nhà đầu tư theo dự án được duyệt.
Để đảm bảo công khai minh bạch, Bộ chủ động kiến nghị kiểm toán cùng tiến hành kiểm toán trước khi bộ quyết toán. Với 56 trạm, kiểm toán tham gia 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.
Theo hợp đồng, để đảm bảo hài hoà lợi nhuận, Bộ đàm phán trong hợp đồng có điều khoản giá trị sau quyết toán là căn cứ bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách liên quan. Do đó, việc kiểm toán phát hiện sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên. Dự án triển khai nhanh, ít biến động giá thì chênh lệch số năm kiểm toán chỉ ra. Số liệu kiểm toán và quyết toán luôn tương đồng với nhau, thậm chí quyết toán thấp hơn. Do đó, việc chỉ ra của kiểm toán là rất đúng và Bộ cũng làm đúng.
Bộ trưởng cũng khẳng định: “Về thu phí BOT, chúng tôi đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. Thời gian qua, Bộ phối hợp rà soát, giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2-3 lần. Căn cứ lưu lượng xe qua trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh”.
Vì sao phải chỉ định thầu?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng: Một số cử tri là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cho biết, ở một số địa phương chỉ một hai doanh nghiệp và các công ty con của doanh nghiệp này được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng có dàn xếp, họ không thể cạnh tranh được. Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, hợp đồng có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng. Tình trạng này khiến cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài dẫn đến đội vốn. Vậy có việc này hay không, quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, không dự án nào không tổ chức đấu thầu, không tổ chức thông báo công khai trên trang đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với thời hạn quy định là 1 tháng. Trong thời gian 1 tháng nhà đầu tư có quan tâm thì nghiên cứu thông tin, hồ sơ để tham gia đấu thầu.
Theo Bộ trưởng, với dự án có từ hai nhà đầu tư quan tâm trở lên thì Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành đấu thầu theo luật định. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua triển khai rất nhiều dự án BOT, nhiều nhà đầu tư chưa rành về thủ tục và nhiều công việc nên ít nhà đầu tư quan tâm. Vì chỉ một nhà đầu tư quan tâm đến dự án nên Bộ không thể tổ chức đấu thầu. Thậm chí, một số dự án kéo dài thời gian tổ chức đấu thầu nhưng vẫn không có thêm nhà thầu.
“Căn cứ vào luật thì vẫn cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu với điều kiện chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. Bởi vì bức xúc của địa phương, mong muốn có hạ tầng, bà con mong chờ nhưng không có nhà đầu tư, chẳng lẽ ta không thực hiện dự án, do đó buộc phải chỉ định thầu” – Bộ trưởng nói.
Tuy vậy, Bộ trưởng khẳng định, việc này đã được Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát một cách chặt chẽ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ, nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý. Song Bộ trưởng cũng thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí.
Chiều nay, từ 14h00 - 15h10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời về nội dung này. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà./.
Kim Thanh