Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời. Cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi, làm rõ những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế tính giá năng lượng tái tạo - Ảnh: VGP

Tại phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia… Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi, làm rõ những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế tính giá năng lượng tái tạo.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện gió, điện mặt trời phát triển khá nhanh ở nước ta trong thời gian gần đây, do cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước khá hấp dẫn. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, có một số nghịch lý, như nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp. Vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải lưu trữ điện.

Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, phải có một nguồn điện nền ổn định, để bù đắp khi không có nắng, có gió. Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền. Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải carbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp, được thị trường thế giới ấn định giá, những năm qua, do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá điện cũng cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải. Điện mặt trời không tốn tiền mua, giá thành chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị. Tuy nhiên, công nghệ thế giới phát triển nhanh, nên giá thành công nghệ giảm đi hàng năm, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện. 

Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, cơ sở pháp lý là căn cứ vào Luật Điện lực, Luật Giá và các nghị định của Chính phủ. Bộ Công thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của các nhà máy điện mặt trời, điện gió, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…

Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.

Hải Liên

112 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 269
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 269
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88613437