Bộ TN&MT giải đáp các vấn đề ‘nóng’ trong quý IV 

(Chinhphu.vn) - Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20/NQ/CP của Chính phủ... là những thông tin được cung cấp tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV do Bộ TN&MT tổ chức sáng 28/12.

 

Ảnh: VGP/Thu Cúc
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trong quý IV, Bộ TN&MT đã đạt được những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Trong đó, nổi bật nhất là cải cách hành chính.

Bộ đã cắt giảm, bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện (chiếm 62,6%, vượt 12,6%) tập trung chủ yếu ở 6 lĩnh vực: Đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ. Ước tính, trung bình hằng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 2,75 triệu giờ công lao động và khoảng 37 tỷ đồng. Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT sửa đổi, bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Theo đó, đã cắt giảm được 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực TN&MT (đạt 51,3%). Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ). Bộ đã cắt giảm và đề xuất cắt giảm 14/15 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 93,3% vượt 43,3%), ước tính hằng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng hơn 50.000 giờ và khoảng hơn 3 tỷ đồng.

Thông tin về các giải phápđối với quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, đến nay, Bộ TN&MT đã cấp 206 giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó 164 giấy xác nhận còn hiệu lực. Hiện, Bộ đã dừng xem xét, cấp giấy xác nhận cho các tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg. Đồng thời, đang tiếp tục xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận theo đúng quy định cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.

Đối với việc giảm áp lực lưu giữ, tồn đọng hàng hoá tại các cảng biển, cả nước hiện có 4 cảng biển là cửa khẩu nhập có lượng hàng hoá thực hiện thủ tục hải quan lớn nhất, gồm: Hải Phòng, Cát Lái, Bình Dương và Cái Mép. Trong đó, cảng Cát Lái hiện nay đang diễn ra tình trạng ùn tắc.

Để đảm bảo thời gian lưu thông hàng hoá, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Cảng vụ hàng hải cảng Cát Lái di chuyển 1.200 container tồn đọng sang cảng Hiệp Phước để thực hiện thủ tục hải quan.

Trong thời gian tới, để tiếp tục giảm áp lực hàng hoá tồn đọng tại cảng, thúc đẩy quá trình thông quan nhanh các loại hàng hoá, Cảng vụ hàng hải cảng Cát Lái phối hợp với cơ quan hải quan di chuyển hàng tồn đọng về tân cảng ICD Long Bình để lưu giữ và thực hiện thủ tục hải quan.

Đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng, các bộ đã thống nhất tiến hành phân định thành các nhóm phế liệu tồn đọng căn cứ trên thời gian lô hàng phế liệu về đến cảng. Đối với những lô hàng phế liệu tồn đọng quá 90 ngày và không tìm được chủ hàng, các bộ thống nhất kiểm tra, phân định và yêu cầu tái xuất đối với những lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đối với những lô hàng phế liệu đảm bảo yêu cầu thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về môi trường và hải quan.

Ngoài ra đối với những lô hàng trên 90 ngày, đang tìm chủ hàng hoặc đang trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan, cơ quan hải quan tiếp tục xử lý theo đúng quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Liên quan đến vấn đề tích tụ, tập trung đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính cho biết, thời gian tới Bộ TN&MT sẽ rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai còn làm cản trở việc tích tụ, tập trung đất đai như quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chế độ quản lý sử dụng đất trồng lúa...

Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cụ thể trình tự, nội dung thực hiện các phương thức, mô hình tích tụ, tập trung đất đai vào quý III/2019. Đề xuất đề án thí điểm các phương thức, mô hình tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp tập trung mà hiện pháp luật chưa có quy định; ban hành chính sách khuyến khích tập trung đất đai thông qua hình thuê đất để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Bộ cũng sẽ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Trên cơ sở đó thực hiện công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Từ đó hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Thu Cúc

613 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 850
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 850
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185607