Theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030 con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Bệnh tật và tử vong do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Năm 2015, người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 31.000 tỷ đồng. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23.000 tỷ đồng một năm.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, với hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong đối với các bệnh không lây nhiễm, như: Ung thư phổi, đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việt Nam là một trong các quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của những căn bệnh này.

Dù tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe tim mạch đã được biết đến từ lâu, nhưng sự quan tâm của cộng đồng vẫn là điều đáng lo ngại. Sử dụng thuốc lá gây nguy cơ cao cho sự tiến triển bệnh mạch vành, đột quỵ và bệnh mạch ngoại vi. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính của bệnh tim mạch, cứ 3 người tử vong vì bệnh tim mạch thì có 1 người hút thuốc lá.

Một bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lâu năm đang được điều trị
tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: ĐT)

GS.TS Ngô Quý Châu cho biết thêm, công tác cai nghiện thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người hút thuốc bỏ thuốc và nâng cao hiệu quả của việc xây dựng môi trường không khói thuốc. Tư vấn hỗ trợ trong cai nghiện thuốc lá đã được chứng minh là phương pháp giúp người đang sử dụng thuốc lá tiến hành cai thuốc lá an toàn và đạt hiệu quả. Người hút thuốc lá muốn cai nghiện có thể tìm đến sự hỗ trợ tại Tổng đài tư vấn và hỗ trợ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí 1800 6606 tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thực tế đã cho thấy, những người bỏ hút thuốc lá sau một thời gian, nguy cơ mắc bệnh tim mạch của họ đã giảm một cách đáng kể so với người tiếp tục hút. Bên cạnh đó, việc bỏ hút thuốc lá ở người chưa từng có biểu hiện của bệnh tim mạch sẽ giảm nguy cơ bệnh tim mạch về sau một cách rất rõ ràng. Còn đối với người đã bị bệnh tim mạch thì việc bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh. Ở những người đã hút thuốc lá trong một giai đoạn dài (nhiều chục năm) thì khi bỏ hút thuốc lá vẫn có lợi ích đối với việc giảm nguy cơ của bệnh tim mạch.

Điều đáng nói là, bản thân người hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính mình mà còn gây hại cho những người xung quanh như gia đình, bè bạn, đồng nghiệp, nơi công cộng... Những người bị ảnh hưởng này gọi là hút thuốc lá bị động. Những đứa trẻ mà có bố mẹ hút thuốc lá dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp hơn. Phụ nữ hút thuốc lá mang thai dễ sẩy thai, đẻ non, hoặc trẻ đẻ thiếu cân. Trước đây, nhiều nghiên cứu mới chỉ đề cập đến khả năng có thể gây ung thư phổi cao hơn ở người hút thuốc bị động nhưng những nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá bị động cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch đáng kể (tới 30% so với người không tiếp xúc với người hút thuốc). Trong số đó, hút thuốc lá bị động ở công sở cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 4 lần và nếu ở gia đình thì còn làm tăng lên nhiều nữa. Như vậy không chỉ gây bệnh cho mình, người hút thuốc lá còn gieo mầm bệnh cho người khác trong đó có bệnh tim mạch.

Cần quản lý chặt việc mua bán, sử dụng thuốc lá

Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết:Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã kiểm tra nhiều cơ quan, tổ chức, địa điểm công cộng, hơn 200 nhà hàng, khách sạn và xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với các vi phạm liên quan đến môi trường không khói thuốc. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả của các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Mặt khác, tuy thuốc lá là chất gây nghiện nhưng lại được bày bán khắp nơi, giá bán lại khá rẻ, nên việc tiếp cận càng dễ dàng. Vì vậy, để góp phần xây dựng môi trường không khói thuốc, cần quản lý chặt việc mua bán, sử dụng thuốc lá.

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các thành viên đã chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” trong Ngày Thế giới không thuốc lá vừa diễn ra mới đây. Thông điệp này nhằm thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch.

Tại Việt Nam, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá mong muốn thông qua chủ đề này, sẽ có nhiều người hơn nữa được biết các thông tin về tác hại của việc hút thuốc chủ động cũng như hút thuốc thụ động, từ đó có những thay đổi hành vi phù hợp như:  Không hút thuốc gần người khác, không hút thuốc tại những nơi có quy định cấm, cai thuốc lá vì sức khỏe của chính mình và những người thân...

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung truyền thông về quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng...; về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; về quy định về quảng cáo, tiếp thị thuốc lá...

Theo ông Kidong Park - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới trưởng thành tại Việt Nam chiếm khoảng 45%. Đây là một tỷ lệ người hút thuốc cao hơn so với trung bình thế giới. Với những quyết sách của Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan, ông Kidong Park hy vọng đến năm 2020, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành tại Việt Nam giảm xuống còn 39%.

Để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người dân nên bỏ thuốc lá, hoặc không bắt đầu hút thuốc; tránh hút thuốc thụ động; ăn ít chất béo, ít muối, ăn nhiều trái cây, rau quả; giữ số cân hợp lý; vận động thường xuyên; hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác; kiểm soát các bệnh khác như: Đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid..../.

Đỗ Thoa