PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng, khi đấu thầu mua sắm một vật tư rất nhỏ như ống xông, bệnh viện muốn lựa chọn hàng tốt cho bệnh nhân nhưng quy định hiện nay khiến việc này không đơn giản - Ảnh: VGP/Huy Thắng
Còn nhiều lúng túng do quy định chưa rõ
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Chính phủ đã có chỉ đạo xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ khu vực công lập. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hoá, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế; chủ động ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét ban hành đối với những giải pháp vượt thẩm quyền…
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trao đổi nhằm đề xuất các biện pháp, giải pháp tháo gỡ liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số bệnh viện Trung ương đã thẳng thắn trao đổi những vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.
PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng, khi đấu thầu mua sắm một vật tư rất nhỏ như ống xông, bệnh viện muốn lựa chọn hàng tốt cho bệnh nhân nhưng quy định hiện nay khiến việc này không đơn giản. Bởi nếu theo quy định đấu thầu, phải lựa chọn hàng giá thấp nhất thì loại ống xông của một nhà cung cấp giá rẻ hơn, nhưng chất lượng không tốt, có thể gây hại đến phế quản bệnh nhân. Hay như quy định về xác định giá gói thầu quy trách nhiệm rất lớn cho chủ đầu tư để xác minh giá chính xác. Lãnh đạo bệnh viện cũng như bộ phận đấu thầu (phần lớn là kiêm nhiệm ngoài công việc chuyên môn) phải mất rất nhiều thời gian, công sức xác minh, hỏi ý kiến nhiều nơi để làm rõ trong quá trình đấu thầu, mua sắm máy móc, vật tư...
Có cùng quan điểm, một số lãnh đạo các bệnh viện cho hay: Máy móc thiết bị y tế, hay thuốc biệt dược có tính đặc thù rất cao, có loại chỉ một hãng có. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị nếu vì muốn có ngay mà sai quy trình chắc chắn gặp rủi ro mắc lỗi. Do đó, vẫn phải tổ chức đấu thầu, rất hình thức, mất thời gian. Lãnh đạo các bệnh viện, hay cơ sở y tế bày tỏ tâm lý e ngại về việc chịu trách nhiệm đấu thầu với những quy định chưa rõ ràng. Có lãnh đạo bệnh viện cho biết có tình trạng máy móc thiết bị "đắp chiếu" do khó khăn chưa đấu thầu mua sắm được linh kiện thay thế. Dù sản phẩm có sẵn nhưng mua ngay lại gặp rủi ro sai quy định.
Đại diện một số bệnh viện cho rằng, với việc mua thuốc biệt dược, cần có sự linh hoạt, Bộ Y tế có thể thực hiện đàm phán giá tập trung với các thuốc biệt dược, hay với máy móc đặc thù.
Qua trao đổi, các vướng mắc chủ yếu nằm ở các văn bản liên quan đến lĩnh vực đấu thầu, mua sắm, trong lĩnh vực này như: Thông tư 13/TT-BYT ngày 16/9/2021 của Bộ Y tế về cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách; Thông tư 14/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Thông tư 15/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập; Thông tư số 58/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tiêt việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vụ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp...; Nghị định 98/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế (do Bộ Y tế chủ trì dự thảo)...
Khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận các ý kiến trao đổi. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua do một số nguyên nhân như: Khó khăn trong đấu thầu, mua sắm, cấp phép trang thiết bị y tế, thuốc; các cơ sở y tế chưa hiện nay có tâm lý e ngại trong việc mua sắm trong lĩnh vực này.
Ông Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng riêng về đấu thầu thuốc và mua sắm đề nghị có dải giá tối thiểu tối đa phù hợp và thực tế hơn. Cần có hướng dẫn cấp phê duyệt dự toán kế hoạch dự thầu, đặc biệt các đơn vị sự nghiệp công lập. Cần có chế tài yêu cầu các doanh nghiệp khi bán hàng trong đơn vị phải kê khai lại chi tiết hình thành cơ cấu giá...
Cần có hướng dẫn xác định giá các mặt hàng đấu thầu rõ ràng, hợp lý hơn, trong đó tính đúng, tính đủ các loại giá cả, chi phí...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Khuôn khổ pháp lý cần sửa đổi khẩn trương hơn để theo kịp với diễn biến thực tế, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng về thuốc và khám chữa bệnh của nhân dân - Ảnh: VGP/Huy Thắng
Chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế, người dân về vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang chủ động rà soát và ban hành một số văn bản. Bộ đã có các văn bản số 6307/BTC-HCSN ngày 30/6/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy việc phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 của Bộ Y tế.
Bộ Tài chính có văn bản số 6301/BTC-HCSN ngày 1/7/2022 đề nghị Bộ Y tế rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế và thuốc chữa bệnh, đề xuất kiến nghị giải pháp thực hiện và các nội dung cần sửa đổi liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính; gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trước ngày 4/7/2022 để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, các Bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã ghi nhận các nội dung vướng mắc. Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, khuôn khổ pháp lý cần sửa đổi khẩn trương hơn để theo kịp với diễn biến thực tế, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng về thuốc và khám chữa bệnh của nhân dân.
Theo đó, đối với các nội dung vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính sẽ ban hành ngay các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương thực hiện.
"Tôi đã giao Vụ Tài chính, hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) thu thập, tiếp thu các ý kiến góp ý, khẩn trương sửa đổi Thông tư 58 về việc việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước... Sau cuộc họp này, Bộ Y tế cũng sớm có văn bản tham gia góp ý bảo đảm các hướng dẫn thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
"Quan điểm của Bộ Tài chính là các hướng dẫn phải thống nhất, không mâu thuẫn, rõ ràng, dễ thực hiện. Các cán bộ triển khai đấu thầu yên tâm triển khai công việc, đơn giản hóa trong việc tuân thủ, bảo đảm đấu thầu hiệu quả, không lo vướng mắc pháp lý. Ví dụ giá cả phải hợp lý. Nếu áp giá ship, giá lúc nhập qua hải quan, chưa bao gồm các chi phí khác như vận chuyển... coi là giá trần giá đấu thầu sẽ gây khó khăn trong hoạt động đấu thầu", lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Một trong những giải pháp là tăng cường công khai, minh bạch, cần tích cực công khai giá cả thường xuyên trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế.
Đối với các nội dung vướng mắc vượt quá thẩm quyền, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị, các bộ cần khẩn trương báo cáo cụ thể các vướng mắc và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền cho phương hướng giải quyết. Bộ Tài chính sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình triển khai thực hiện
Về vấn đề các bác sĩ, y tá giỏi của bệnh viện công bỏ việc ra ngoài làm do thu nhập quá thấp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để giữ chân được các "nhân lực giỏi" của ngành y tế.
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư và sinh phẩm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đang được dư luận quan tâm. Về việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần thần tốc hơn nữa triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Theo đó, Bộ Y tế cần hoàn thành hồ sơ, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Huy Thắng