|
Ông Trần Đức Thắng-Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là nội dung trao đổi của ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) với báo chí.
Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công những năm qua là gì?
Ông Trần Đức Thắng: Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008, hằng năm, Bộ Tài chính đều báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cả nước. Tổng hợp các báo cáo đó cho thấy, công tác quản lý tài sản công thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
Một là, Bộ Tài chính đã từng bước hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền 1 Luật, 26 Nghị định của Chính phủ, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính đã ban hành 42 Thông tư về quản lý, sử dụng tài sản công.
Hai là, công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước đã từng bước đi vào nề nếp. Hiện tượng sử dụng ô tô công sai mục đích, đi lễ chùa, sử dụng vào mục đích cá nhân, tình trạng cho mượn, cho thuê, sử dụng tài sản vào kinh doanh không đúng quy định đã giảm đáng kể.
Ba là, cơ quan quản lý đã tổ chức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, ô tô để đảm bảo quản lý, sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức, phần dôi dư được bố trí điều chuyển để phục vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có tài sản hoặc xử lý bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước.
Bốn là, đã thực hiện phân định tài sản công do Trung ương quản lý và tài sản công do địa phương quản lý. Tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định việc đầu tư, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tài sản công tại khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, quản lý tài chính đối với các tài sản khác. Việc quản lý nhà nước đối với đất đai, tài nguyên, tài sản hạ tầng do các bộ chuyên ngành thực hiện. Việc định giá tài sản công là đất đai thực hiện theo pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc xác định giá đất do các cơ quan chức năng của địa phương xác định và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Việc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Vừa qua có nhiều vụ việc bị đưa ra xử lý, đặc biệt là liên quan đến nhà, đất công, cho thấy công tác này vẫn còn những tồn tại, thất thoát, lãng phí, ông đánh giá thực trạng này thế nào?
Ông Trần Đức Thắng: Đất đai là một loại tài sản công theo quy định tại Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 chỉ điều chỉnh những nguyên tắc chung trong quản lý, khai thác nguồn lực tài chính đối với đất đai và Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng các văn bản quy định về chính sách tài chính đối với đất đai như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thuế, phí, lệ phí về đất đai. Như vậy, các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá đất, thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp... được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai thuộc trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Riêng đối với nhà, đất tại khu vực hành chính sự nghiệp, đây là cơ sở vật chất được sử dụng cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Do vậy, những tài sản này được quản lý theo tiêu chuẩn, định mức, công năng, mục đích sử dụng. Tuy nhiên, do các yếu tố lịch sử và sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trong quá trình sử dụng đã dẫn đến các trường hợp thừa, thiếu, không còn nhu cầu sử dụng. Khi đó, tài sản sẽ được xử lý theo các hình thức thu hồi, điều chuyển, bán. Đối với những tài sản đã hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng không sửa chữa được thì thanh lý. Khi bán, chuyển nhượng phải thực hiện theo cơ chế thị trường (chủ yếu thông qua hình thức đấu giá). Việc bán chỉ định chỉ được thực hiện trong một số trường hợp và về cơ bản, các trường hợp này đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Giá bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đảm bảo phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường và giá trị đánh giá lại đối với tài sản trên đất. Phương pháp xác định giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc tổ chức đấu giá tài sản, các đơn vị có nhà, đất thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Qua rà soát để thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý cho thấy cơ bản các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, công năng của tài sản. Tuy nhiên, một số trường hợp còn bố trí làm nhà ở trong khuôn viên trụ sở, cho thuê, cho mượn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng nhưng chưa trả lại Nhà nước... Qua kết quả sắp xếp nhà, đất (bao gồm cả đất của các doanh nghiệp nhà nước) đã thực hiện chuyển giao cho địa phương 621 cơ sở nhà, đất; thu hồi 641 cơ sở nhà, đất; đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định trên 100 cơ sở nhà, đất...
Tuy nhiên, vừa qua chúng ta đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí. Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Vậy, giải pháp nào để khắc phục tình trạng nêu trên, thưa ông?
Ông Trần Đức Thắng: Để khắc phục tình trạng nêu trên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện trong thời gian vừa qua, cần tập trung vào một số giải pháp như: Triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản qua hệ thống này; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Ngoài ra, các đơn vị có trách nhiệm cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán này phải được thực hiện ngay từ các khâu để phòng ngừa sai phạm; tăng cường hơn nữa công tác giám sát của cộng đồng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang đánh giá để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 192/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng xác định rõ hành vi, nâng cao mức phạt để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng về đất đai, tôi cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước... Ngoài việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan như Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Xây dựng phải rà soát lại hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công để sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá, Luật Nhà ở... Cuối cùng, quan trọng là cần nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật; xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...).
Huy Thắng