Quan tâm cải cách hành chính trong ngành tài chính

Cải cách hành chính trong ngành thuế và hải quan là thiết thực (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Để có thể thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp cải cách hành chính, lãnh đạo Bộ Tài chính đã tăng cường công tác chỉ đạo về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trong đó xác định rõ vai trò của người đứng đầu.

Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của Bộ và của đơn vị. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về cải cách hành chính đến các cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc Bộ và đến người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính. Kết quả đạt được hàng năm là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, năng lực lãnh đạo điều hành của thủ trưởng đơn vị và là một trong các tiêu chí để bổ nhiệm cán bộ, đánh giá bình xét danh hiệu thi đua khen thưởng cho tập thể và cá nhân.

Thực tế, công tác cải cách hành chính luôn được Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai cải cách hành chính đồng bộ từ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công… tổ chức thực hiện và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan và thu được nhiều kết quả tích cực.

9 giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính trong ngành tài chính

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu cải cách ngày càng cao, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của công cuộc hội nhập quốc tế, trong năm 2019, Bộ Tài chính xác định tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo, cơ quan, đơn vị trong quán triệt, phổ biến và triển khai các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc cải cách TTHC, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác kiểm soát TTHC và giải quyết TTHC; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng về quan điểm đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.

Thứ hai, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với doanh nghiệp, tập trung vào việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài chính trên cơ sở đảm bảo tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi 2018. Rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn;

Thứ ba, thực hiện rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp; tổ chức thực thi Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các TTHC mới, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ của TTHC ngay từ khâu dự thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có quy định TTHC, chỉ ban hành các văn bản QPPL sau khi có đánh giá tác động đảm bảo các tiêu chí: tính cần thiết; tính hợp lý; tính hợp pháp và tính toán chi phí tuân thủ của TTHC theo đúng quy định của Nghị định 63/2010/NĐ-CP và gắn công tác kiểm soát TTHC với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 832/QĐ-BTC ngày 31/5/2018 của Bộ Tài chính; Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Thứ sáu, tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của ngành, ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; công bố, cập nhật danh mục các dịch vụ hành chính công, điều kiện kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị; phấn đấu 100% TTHC thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh hiện đại hóa trong quản lý thuế, thực hiện kê khai thuế qua mạng, hải quan điện tử qua hệ thống VNACC và VNCIS, qua đó vừa rút ngắn thời gian kê khai nộp thuế, thời gian làm thủ tục hải quan vừa giảm thiểu quan hệ trực tiếp giữa cán bộ thuế, hải quan với người nộp thuế, người khai hải quan.

Thứ bảy, tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và các cơ quan báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan.

Thứ tám, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia trong đó trọng tâm là nâng xếp hạng chỉ số Bảo hiểm xã hội; nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới; nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán bằng việc tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua theo chương trình xây dựng Luật của Quốc hội (dự kiến trình Quốc hội trong năm 2019); Phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp (startup)

Thứ chín, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ chính sách, pháp luật của người người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức./.

 

Hà Anh