Đây là ý kiến lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính về việc mua sắp các thiết bị, vật tư y tế, chống dịch COVID-19.
Vừa qua, lãnh đạo y tế tại một số địa phương than phiền về sinh phẩm để xét nghiệm rRT-PCR không thiếu nhưng thủ tục đấu thầu rất khó khăn. Nguồn sinh phẩm hiện tại chủ yếu dựa vào viện trợ, chưa có đơn vị nào đứng ra hướng dẫn, nhiều địa phương không dám tự mua vì sợ vi phạm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, các mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm và các vật tư y tế không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bình ổn giá, kê khai giá.
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc mua sắm các mặt hàng trên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (kể cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội tổ chức xã hội-nghề nghiệp, và Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập (áp dụng kể từ ngày 1/9/2020).
Ngoài ra, tại Điểm a Khoản 5 Điều 62 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị thì Bộ Y tế công khai các thông tin về giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế nhà nước trên phạm vi toàn quốc trên công thông tin điện tử của Bộ Y tế.
|
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).Ảnh: VGP |
“Trong trường hợp cần thiết, các địa phương cần kích hoạt các điều khoản mua sắm trong hoàn cảnh dịch bệnh, thực hiện mua được được các sản phẩm tốt nhất, với giá cả hợp lý nhất đề chống dịch đang diễn biến phức tạp”, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói.
Về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, thực hiện quy định tại Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) và các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành các Thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT (hiện nay là Thông tư số 14/2019/TT-BYT), trong đó có giá dịch vụ xét để thu của người bệnh khám chữa bệnh có BHYT và quỹ BHYT theo cơ chế đồng chi trả, không áp dụng trong trường hợp đấu thầu cung cấp dịch vụ hoặc đặt hàng dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Hiện Bộ Y tế đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt hàng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 thanh toán từ ngân sách nhà nước. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đặt hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thanh toán từ ngân sách Trung ương thì Bộ Tài chính quy định giá tối đa, Bộ Y tế quy định giá cụ thể theo quy định hiện hành tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và pháp luật về giá. Việc đặt hàng cung cấp dịch vụ, quyết định giá đặt hàng thanh toán từ ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, tại Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 3/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 từ nguồn bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXHVN, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ (Điểm a Khoản 5). Trong trường hợp này sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về Bảo hiểm y tế quy định tại Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn (HCSN giúp Bộ quản lý quỹ BHYT).
Ông Bùi Anh Bình - Phó Vụ Trưởng Vụ Tài chính-Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) phân tích thêm, trong quy định của pháp luật về đấu thầu từ Điều 20 đến Điều 26 đã quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt…
Đối với trường hợp mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế và các địa phương có thể áp dụng việc mua sắm một trong các hình thức nêu trên, kể cả chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
|
Ông Bùi Anh Bình - Phó Vụ Trưởng Vụ Tài chính-Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính).Ảnh:VGP. |
Đồng thời trong Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ về thẩm quyền quyết định giá và các căn cứ xác định giá cũng như quy trình mua sắm trang thiết bị, vật tư.
Do vậy, các chủ đầu tư thuộc các bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện thẩm quyền của mình đã được quy định trong pháp luật về đấu thầu để khẩn trương thực hiện mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch mà không phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
“Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể quyết định thêm một số thành phần các có liên quan ở tham gia quá trình mua sắm để đảm bảo hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và phù hợp với điều kiện thực tế của mình”, ông Bùi Anh Bình nói.
Trước đó, trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 7/8/2020 đã yêu cầu: Các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm, không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm. Trường hợp thiếu kinh phí thì kịp thời sử dụng kinh phí dự phòng và báo cáo Trung ương xử lý cụ thể. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục thần tốc truy vết, tăng cường thực hiện nhanh hơn nữa việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao.
Huy Thắng