Bộ Tài chính khẳng định, cho đến nay, Bộ Tài chính chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược cho bất kỳ doanh nghiệp nào thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.
Theo quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, đặt cược là trò chơi giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao, giải trí được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
Theo quy định tại Nghị định này thì Chính phủ chỉ cho phép kinh doanh 3 loại hình đặt cược gồm: đặt cược đua ngựa; đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Đồng thời Nghị định cũng quy định kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước; chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược mới được kinh doanh đặt cược. Hoạt động kinh doanh đặt cược qua mạng là hành vi bị nghiêm cấm.
Còn đối với hoạt động kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, theo quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, Chính phủ cho phép 01 doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế trong thời gian là 05 năm. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế áp dụng quy định của Luật đấu thầu.
Trong quá trình xây dựng phương án lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế có vướng mắc về pháp lý, do đó Bộ Tài chính đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP. Cho đến nay, Bộ Tài chính chưa tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.
Đối với hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó được thực hiện theo quy trình gồm 2 bước.
Bước 1, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó gồm: Địa điểm đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi xây dựng trường đua; vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (đối với đặt cược đua ngựa) và 300 tỷ đồng (đối với đặt cược đua chó); có phương án đầu tư, phương án kinh doanh đặt cược khả thi và cam kết về việc hỗ trợ cộng đồng.
Bước 2, trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.
Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó bao gồm: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó; đã trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh đặt cược; có phương án kinh doanh đặt cược khả thi, phù hợp quy định của pháp luật.
Cho đến nay, Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ của Công ty cổ phần thể thao thi đấu giải trí đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua chó, là trường hợp đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức kinh doanh đua chó dự thưởng tại Sân vận động Lam Sơn (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trước khi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Bộ Tài chính đề nghị các cá nhân và tổ chức thận trọng, nâng cao ý thức và cảnh giác trước những nội dung truyền thông và quảng bá của những nhà đầu tư trong việc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh dự đoán kết quả trong thi đấu bóng đá và thể thao có thưởng.
Anh Minh