Bộ Tài chính: Cải cách, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp 

(ĐCSVN) - Xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, thời gian qua Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động cải cách, hiện đại hóa nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao...

 

 Bộ Tài chính đã chủ động trong cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền tài chính số (Ảnh: M.P) 

Tập trung hoàn thiện thể chế

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính ngân sách Nhà nước (NSNN), từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế. Đồng thời, quan tâm và chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản, chính sách chế độ mới và hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, người dân. Trước tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp từ NSNN cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng cường nguồn lực cho y tế, phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ động trong cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền tài chính số. Công tác cải cách TTHC tiếp tục được triển khai mạnh mẽ theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC mới, lựa chọn các giải pháp tối ưu cho việc ban hành TTHC, đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp với mục tiêu quản lý, giảm bớt các bước trung gian không cần thiết, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, triển khai vận hành hiệu quả Cổng Dịch vụ công của Bộ Tài chính và Bộ phận Một cửa, đảm bảo giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức bộ máy của ngành Tài chính từng bước được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác rà soát để tiếp tục hoàn chỉnh tổ chức bộ máy được tiến hành thường xuyên, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của ngành cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ.

Những kết quả trên đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ghi nhận. Tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR Index 2021) vào tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục đứng vị trí thứ 2 trong số các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.

Ông Đinh Mai Long – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính luôn được Bộ Tài chính xác định là một trong những giải pháp trọng tâm của công tác cải cách hành chính. Năm 2021, Bộ Tài chính đã tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp như: thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, bảo hiểm…

Đồng thời, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; đề xuất, kiến nghị loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp với mục tiêu quản lý, cắt giảm các thành phần hồ sơ không cần thiết, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ của các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2021, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành 9 Quyết định công bố cắt giảm 83 TTHC và đơn giản hóa 19 TTHC trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý công sản. Vận hành Bộ phận Một cửa tại cơ quan Bộ Tài chính đảm bảo hiệu quả với 100% hồ sơ tiếp nhận tại đây được trả kết quả đúng hoặc trước thời hạn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quan tâm và triển khai nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính ngày càng thực chất, hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp.

“Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Đinh Mai Long nói và cho biết thêm: “Những lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan, kho bạc… đều được triển khai điện tử hóa theo hướng toàn diện. Các dịch vụ công tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp và được người dân, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng rộng rãi, thường xuyên với số lượng hồ sơ, tần suất lớn như: thủ tục khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thủ tục thông quan tự động, kiểm soát chi và thanh toán trực tuyến…”

Bộ Tài chính cho biết, luôn phấn đấu đi đầu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều đó khẳng định sự quyết tâm của ngành trong việc tạo ra những thay đổi căn bản khi chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp sang phương thức quản lý hiện đại. Hiệu quả mang lại không chỉ là tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp mà còn cho thấy rõ tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Những kết quả đó của Bộ Tài chính cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội đánh giá cao, khẳng định hướng đi đúng đắn của Bộ Tài chính trong chuyển đổi số và quyết tâm xây dựng Bộ Tài chính số vào năm 2030.

Tiếp tục đổi mới, tạo đột phá

Theo ông Đinh Mai Long, trong quá trình triển khai cải cách hành chính thời gian qua, ngành Tài chính cũng đã phải đối diện với không ít những thách thức, khó khăn. Nhưng đến nay, về cơ bản ngành Tài chính đã thực hiện thành công Chương trình, kế hoạch cải cách hành chính với những kết quả được ghi nhận, trở thành một trong những cơ quan đi đầu về cải cách cải cách hành chính, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ tác động sâu rộng, yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước ngày càng cao. Trong khi đó, dư địa cắt giảm thủ tục hành chính hay sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cũng thu hẹp lại. Những điều này đang tạo ra nhiều thách thức trong cải cách hành chính đối với Bộ Tài chính nói riêng và các bộ, ngành nói chung.

“Tuy nhiên, tinh thần của cải cách hành chính là phải luôn luôn phải đổi mới, cần tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, với sự quyết tâm của toàn ngành, mục tiêu trong thời gian tới của chúng tôi không phải là một thứ hạng cao hơn về Chỉ số cải cách hành chính mà phải là cải cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở nền tảng đã có, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức để làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính”, ông Đinh Mai Long chia sẻ.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính luôn hướng tới mục tiêu cải cách là nhằm tiếp tục góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tăng cường vai trò lãnh đạo của người đứng đầu và tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân, tổ chức và xã hội. Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quy định thủ tục hành chính, tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính…/.

 
M.P
103 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 987
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 987
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77230846