Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh:M.P)

Chậm cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp với với một số  nội dung sửa đổi, bổ sung.

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc chuyển nhượng, xác định giá khởi điểm; phương thức chuyển nhượng, vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại doanh nghiệp khác. Cùng với đó, bỏ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP  của Chính phủ về trích Quỹ đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có) từ nguồn lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời bổ sung quy định về  xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được cũng như trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước.

Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, tiến độ cổ phẩn hóa và thoái vốn tại các DNNN đang bị chậm lại. Tính tới giữa tháng 6/2017, mới có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa mà nguyên nhân của việc chậm trễ này là bởi sự chần chừ, e ngại của lãnh đạo các doanh nghiệp. Một phần cũng do Nghị định số 91/2015/NĐ-CP chưa thực sự rõ ràng. Đã có những quy định gây khó cho doanh nghiệp, tuy nhiên hiện tại vấn đề này sau đó đã được Chính phủ xử lý. Bởi vậy, cái khó hiện tại được ông Tiến khẳng định là do tư tưởng chần chừ của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến nhận định, một thực tế là quy mô doanh nghiệp càng lớn khi bóc tách ra sẽ càng đụng tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại. Điều này khiến người đứng đầu các doanh nghiệp có tư tưởng e sợ, né trách nhiệm. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ sớm công khai các doanh nghiệp chậm lên sàn, và có phương án xử lý.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 5/2017, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.445 tỷ đồng và thu về 14.806 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thu về này phần lớn nhờ việc bán vốn tại Vinamilk đã được thực hiện cuối năm ngoái (hơn 11.000 tỷ đồng).

Tăng trách nhiệm trong việc thu lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước

Một vấn đề được ông Đặng Quyết Tiến đề cập trong buổi họp báo liên quan tới việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước.

Theo đó, để tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại doanh nghiệp và điều chỉnh tăng vốn điều lệ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung tại dự thảo Nghị định quy định: Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (tương tự quy định đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp là ngân hàng thương mại cổ phần tại Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ và thực tế điều hành việc này của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp cổ phần thời gian qua).

Đề xuất trên, theo ông Đặng Quyết Tiến, do được rút ra  từ chuyện ngân hàng đòi tăng vốn để giữ lại phần lợi nhuận trong khi Bộ Tài chính lại đòi thu về. Trong năm 2016, Bộ Tài chính nhiều lần có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước "chỉ đạo" người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước. Và sau nhiều lần “đòi” quyền lợi từ Bộ Tài chính, phải đến đầu năm 2017 các ngân hàng này mới chốt lại được phương án trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015.

Trước những bất cập này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần phải quy định rõ, muốn chia cổ tức, lợi nhuận thì cần ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính. Điều này nhằm tránh trường hợp một số người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể vì lợi ích doanh nghiệp mà bỏ phiếu giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho doanh nghiệp trong khi chính doanh nghiệp đó lại trong diện Nhà nước không cần nắm giữ.

Đại diện Bộ Tài chính hi vọng, với những điểm đổi mới tại dự thảo sau khi Chính phủ xem xét, ban hành sẽ tạo điều kiện để quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác đảm bảo hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp./.

Minh Phương