|
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT)của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn) |
Chiều ngày 28/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Bổ sung cháy rừng là một loại hình thiên tai đặc thù
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban KH,CN&MT phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Cho ý kiến về việc bổ sung một số loại hình thiên tai, đa số ý kiến các vị ĐBQH tán thành bổ sung 02 loại hình thiên tai mới và 03 loại công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) như Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung một số loại hình thiên tai như “sương giá”,“triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt”; bổ sung cháy rừng do tự nhiên là loại hình thiên tai trong vì tính chất khốc liệt của loại cháy này để chủ động phòng, chống và sử dụng hiệu quả hệ thống Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT cho công tác này.
Đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết, trong đó có sự cố, nắng nóng, hạn hán kéo dài thì nguy cơ cháy rừng luôn ở mức độ cao, xảy ra trên diện rộng và đồng thời ở nhiều tỉnh/thành phố. Các vụ cháy rừng lớn đầu năm 2019 ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Tĩnh…đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài, diện tích cháy lớn, rất khó kiểm soát; việc khống chế đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Do vậy, cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng, do nắng nóng kéo dài và các sự cố khác cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù. Việc quy định như vậy không chồng chéo với Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy; khắc phục được hạn chế của quy định hiện hành khi cháy rừng ở quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành. Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Braxin...đều coi cháy rừng là một dạng thảm họa thiên nhiên.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng là một loại hình thiên tai đặc thù. Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở mức độ nào sẽ được điều chỉnh Luật PCTT.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; cháy rừng có thể do tác động của thiên nhiên, cũng có thể do tác động của con người. Tuy nhiên, cháy rừng không phải lúc nào cũng do con người. Theo đại biểu, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng, khô hạn kéo dài có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng tự nhiên luôn ở mức cao. Hơn nữa, theo thống kê những năm gần đây, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều vụ cháy rừng tự nhiên. Do vậy, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, cháy rừng do nắng nóng, hạn hán kéo dài ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương thị Yến Linh (Cà Mau) góp ý, tình hình thời tiết ở Việt Nam diễn biến khó lường, xuất hiện mới nhiều loại hình thiên tai, gia tăng về quy mô, tần suất, diễn biến bất thường, cực đoan và thiệt hại do thiên tai thì ngày càng lớn. Đối với Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành, một số loại thiên tai chưa được quy định trong luật đã gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai ở một số địa phương trong thời gian qua.
Theo đó, đại biểu Linh thống nhất với ban soạn thảo về việc sửa đổi, bổ sung về hiện tượng tự nhiên bất thường như cháy rừng do tự nhiên và sương mù để giải thích từ thiên tai cho đầy đủ và phù hợp với tình hình thiên tai của nước ta trong thời gian qua.
Theo đại biểu, cháy rừng ngoài do thiên tai còn do nhân tai, có lúc cả thiên tai và nhân tai. Luật cần giao cho Chính phủ quy định rõ nguyên nhân cháy rừng do tự nhiên và cháy rừng ở mức nào sẽ được điều chỉnh trong dự án luật.
Tăng cường giao trách nhiệm PCTT cho các lực lượng tại chỗ
Về nguồn nhân lực cho PCTT, đa số ĐBQH tán thành với quy định về thành lập lực lượng xung kích PCTT ở cấp xã như Dự thảo Luật và đề nghị làm rõ lực lượng này hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm.
Ý kiến khác cho rằng, quy định này dễ gây xung đột về việc thực hiện nhiệm vụ, không bao quát hết mọi loại hình thiên tai và có thể gây chồng chéo với các lực lượng khác khi tham gia PCTT.
Liên quan đến quy định về nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống thiên tai, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, thực tế thảm họa thiên tại không chỉ dừng lại ở giới hạn trong nước, mà nó mang tính toàn cầu. Do vậy, để ứng phó hiệu quả, chúng ta cần có sự hợp tác quốc tế. Đại biểu đề nghị, bổ sung nội dung về hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng, chống thiên tai vào dự thảo luật cho phù hợp.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị dự thảo Luật cần quy định theo hướng tăng cường giao trách nhiệm phòng, chống thiên tai cho các lực lượng tại chỗ (như lực lượng dân quân tự vệ, các tổ chức thanh niên, phụ nữ…)
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm lực lượng phòng chống thiên tai ở địa phương và thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai./.