Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Vướng mắc vì đâu? 

(Chinhphu.vn) - Qua kiểm tra, khảo sát của Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ tại 11 địa phương cũng như phản ánh của một số cơ quan, báo chí, việc thực hiện quy định không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy còn một số tồn tại, hạn chế.
Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Vướng mắc vì đâu? - Ảnh 1.

Với việc bỏ sổ sổ hộ khẩu, các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp.

Thực hiện Luật Cư trú năm 2020 quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, sử dụng hộ khẩu điện tử là cuộc cải cách hướng tới giảm các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.

Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023).

Theo đó, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: Việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Tuy nhiên, đến nay, theo báo cáo của Tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP, qua kiểm tra, khảo sát của Bộ Công an và VPCP tại 11 địa phương cũng như phản ánh của một số cơ quan, báo chí, hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa 3 cấp vẫn chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; chưa nắm vững 7 giải pháp tra cứu thông tin thay thế; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, nhiều người dân vẫn chưa nắm được quyền lợi được hưởng.

Một số địa phương như Hà Nội chưa hướng dẫn cắt bỏ thành phần bản sao căn cước công dân, hộ khẩu, sổ tạm trú trong thủ tục hành chính, vẫn còn chờ đợi hướng dẫn của các bộ, ngành; cán bộ, công chức thực hiện dịch vụ công ở nhiều nơi (TP. Hà Nội, TPHCM, TP. Hải Phòng, Lạng Sơn, Điện Biên...) vẫn yêu cầu công dân xuất trình thẻ căn cước công dân và phiếu xác nhận thông tin cư trú (CT07)... Đối với vấn đề này sẽ gây mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến dư luận xã hội.

"Qua khảo sát việc thực hiện quy định của Nghị định 104/CP tại bộ phận một cửa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều địa phương cho thấy, phần lớn các đơn vị có thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng lại không thực hiện mà vẫn yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07) khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch", Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 25/2.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, VPCP đã có công văn 761/VPCP-KSTT về việc hướng dẫn kết nối, tích hợp, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hướng dẫn kết nối, tích hợp, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công đã chỉ đạo công an các địa phương kiểm tra, hướng dẫn nhưng tình trạng yêu cầu người dân xuất trình Giấy xác nhận thông tin cư trú (CT07) vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, có sự thiếu trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, xử lý sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều bộ, ngành vẫn chưa ban hành quyết định thủ tục hành chính để bảo đảm pháp lý triển khai, thực hiện; chưa điều chỉnh phầm mềm, hệ thống để khai thác các trường thông tin mà Bộ Công an và VPCP đã công bố.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng thông tin thêm, hiện nay, một số địa phương đã kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư nhưng vẫn hạn chế khai thác sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính như: Sơn La chưa có lượt nào, Vĩnh Long mới 4 lượt; 3 địa phương là Gia Lai, Phú Yên, Bắc Kạn chưa kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Xin xác nhận cư trú chỉ là một trong 7 phương thức

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ bên lề Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết, Bộ Công an đã có hướng dẫn rất cụ thể, thông báo rộng rãi về 7 phương thức để khai thác thông tin của công dân sau khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, bao gồm việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú, ứng dụng di động VNeID...

Khi công dân xuất trình thẻ CCCD thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

"Để thay thế cho sổ hộ khẩu giấy, người dân chỉ cần dùng một trong 7 phương thức này. Xin xác nhận cư trú là một phương thức, còn lại 6 phương thức khác diễn ra trên mạng, trực tuyến và rất thuận lợi", Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng mong muốn bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt Nghị định 104 để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Ban Chỉ đạo Đề án 06 của các tỉnh, thành phố hướng dẫn cho các bộ phận chức năng về quy trình thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn...

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị định 104, các bộ ngành, địa phương cần thực hiện công bố thủ tục hành chính theo quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính, công tác chuyên môn với mục tiêu "sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính".

Đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong việc liên thông, kết nối thì có thể thực hiện theo quy định tại Khoản 3, khoản 4 Điều 14 của nghị định. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú như thẻ CCCD, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hoàng Giang

221 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 621
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 621
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77934051