|
Xuất khẩu nông sản vẫn giữ được tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm 2017. |
Chiều 6/7, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9. Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực sản xuất, thủy sản đang có những tín hiệu tăng trưởng và xuất khẩu rất khả quan. Giá trị xuất khẩu ngành hàng này ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,1%.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp giao ban công tác tháng 8, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 9 và những tháng cuối năm của Bộ. Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành trên các lĩnh vực; triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tiến trình cải cách hành chính trong kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2017.
Trong tháng, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa lũ lớn đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc và bão số 6 gây thiệt hại đáng kể và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Yên Bái. Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Bộ đã phát động kêu gọi cán bộ, viên chức người lao động ủng hộ đồng bào vùng mưa lũ và lần đầu tiên Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai đã hỗ trợ kịp thời hơn 30 tấn hàng hoá cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai tại các tỉnh miền Bắc như: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên…
Tổng cục Phòng chống thiên tai, đơn vị trực thuộc Bộ vừa mới thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/8 đã ổn định tổ chức, bộ máy, sẵn sàng ứng phó và triển khai các chương trình, đề án lớn trong công tác phòng chống thiên tai. Theo đó, Tổng cục đã hoàn thành việc ký kết thực hiện dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây sẽ là một trong những hệ thống quan trắc dự báo, cảnh báo hiện đại nhất khu vực để điều tiết và vận hành hệ thống hồ chứa bằng công nghệ thông tin. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai tập trung triển khai dự án sớm để nhân rộng, mở rộng áp dụng cho các liên hồ chứa khác nhằm ứng phó kịp thời với bão lũ.
Xuất khẩu thủy sản sẽ cán đích 8 tỷ USD
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng sức sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục bứt phá, thị trường tiêu thụ mở rộng hứa hẹn một năm bội thu về xuất khẩu nông lâm và thủy sản. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.
Theo Tổng cục Thủy sản, môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã phục hồi trở lại, nhiều ngư trường ruốc xuất hiện dày đặc; các nghề vây, lưới mành, pha xúc đạt năng suất ổn định. Tính đến nay, tiến độ chi trả bồi thường sự cố môi trường biển đạt 94,3%; hơn 5% còn lại đang chờ tàu khai thác về để tiến hành bồi thường. Việc khắc phục tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đang được Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu tiến hành khẩn trương (hiện 7 tàu đã sửa xong, 5 tàu đang lắp đặt máy), dự kiến 15/9 tới 12 tàu này sẽ hạ thủy; đối với 5 tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) do chỉ số Mangan của thép không đủ nên đang chờ mời chuyên gia đầu ngành vào kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp theo thông lệ quốc tế.
Về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tiếp tục hoàn thiện Luật Thủy sản bảo đảm chất lượng và tiến độ để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; Phối hợp với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tổ chức hội nghị quán triệt 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm về kháng sinh và tạp chất; khẩn trương chỉ đạo các công ty khắc phục, sửa chữa tàu vỏ thép bị hư hỏng.
Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc trồng rừng. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 131.300 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 436.600 ha, tăng 4,3%. Thu phí dịch vụ môi trường rừng được 1.007,3 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm 2017 và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016. Đến tháng 8/2017, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 5,07 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt 7,5 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); phối hợp và bám sát Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc tính phí dịch vụ môi trường rừng khi giá điện tăng; đối với Chương trình REED+ là định hướng lâu dài và bền vững cho ngành lâm nghiệp, nên cần chuẩn bị tốt hồ sơ để bảo vệ thành công vào tháng 12 tới tại Hội nghị Paris.
Trong những tháng cuối năm 2017, tăng trưởng của ngành NN&PTNT được đánh giá phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tháng 8/2017, giá trứng gia cầm tiếp tục tăng, giá thịt lợn giữ ở mức thấp, nên người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn; hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu tái đàn, nhưng số lượng hạn chế. Ước hết tháng 8, đàn lợn cả nước giảm 4%, đàn trâu giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, với nỗ lực tái đàn chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu Tết và sự tăng mạnh trong sản xuất trứng, đạt mức 11 tỷ quả (tăng gần 2 tỷ quả so với năm trước), dự báo năm nay lĩnh vực chăn nuôi sẽ bảo đảm mức tăng trưởng 3%. Bộ trưởng lưu ý Cục Chăn nuôi tập trung nguồn lực để xây dựng Luật Chăn nuôi đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng; xây dựng các chiến lược và quy hoạch phát triển chăn nuôi, đồng thời xúc tiến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, do những tháng đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp nên sản lượng vụ Đông Xuân giảm 300.000 tấn lúa, bù lại vụ Hè thu ở các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1.085 nghìn ha (chiếm 56,2%) cho năng suất tăng hơn so với vụ trước là 2 tạ/ha, tính ra vụ này sản lượng tăng khoảng 400.000 tấn lúa. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, với diện tích lúa ở miền Bắc đang phát triển khá tốt và kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông ở ĐBSCL, sản lượng dự kiến tăng khoảng 250.000-300.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, sản lượng lúa cả năm ước đạt 44,1 triệu tấn. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh trên lúa (như bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bạc lá, khô vằn...) và nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão ở phía Bắc và lũ ở ĐBSCL. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật nắm chắc tình hình và có biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ và dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa.
Khẳng định mục tiêu tăng trưởng 3%
Tại cuộc họp giao ban công tác tháng 8/2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị thuộc Bộ đã linh hoạt, khắc phục khó khăn nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Bộ trưởng yêu cầu các Tổng cục, Cục sớm rà soát, kiện toàn bộ máy hoạt động, nhất là những đơn vị mới thành lập.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ, chất lượng và tính khả thi cao nhất. Đặc biệt, Bộ trưởng giao thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, theo đó yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tự rà soát và đề xuất loại bỏ những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất-kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với những kết quả khả quan trong năm 2017, Bộ trưởng thống nhất đặt mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành NN&PTNT năm 2018 là 3% và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 35 tỷ USD.
Phương Liên