|
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 31/8, Bộ NN&PTNT và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 2 DN là Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam và Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thuỷ lợi về SCIC.
Hai DN này có tổng giá trị vốn chuyển giao theo mệnh giá là 800 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam đã chiếm hơn 792 tỷ đồng, còn Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thuỷ lợi là DN thuộc Danh mục doanh nghiệp phải chuyển giao về SCIC theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 8/2017.
Với 2 DN này thì tính từ đầu năm tới nay, SCIC đã tiếp nhận 7 DN của các bộ, ngành và địa phương - số lượng rất ít theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ - nhằm tách bạch quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN với công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương. Việc các bộ, ngành và địa phương chậm chuyển giao DN về SCIC luôn bị Tổng công ty này “ca thán” từ nhiều năm qua. Nay với việc tiếp nhận thêm 2 DN nói trên, ông Nguyễn Đức Chi tỏ ra rất vui mừng khi mà trước đó người đứng đầu SCIC từng thông báo: “Nếu các bộ, địa phương chậm chuyển giao DN thì không khéo SCIC sẽ hết việc để làm”!
Do vậy, Chủ tịch SCIC đánh giá Bộ NN&PTNT gương mẫu, đi đầu trong xử lý, bàn giao DN về SCIC để tiếp tục cơ cấu lại và thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Để có được buổi lễ bàn giao hôm nay là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự nỗ lực và tích cực của cán bộ, công nhân viên của Bộ NN&PTNT, cán bộ của 2 DN và sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan và sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”, ông Nguyễn Đức Chi nói.
Tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã quyết chuyển 234 DN do các bộ và địa phương làm đại diện vốn Nhà nước tại DN này về SCIC. Nhưng đến tháng 2/2017, vẫn còn tới 173 DN chưa chuyển giao. Tới tháng 8/2017 tại Quyết định 1232/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định 6 bộ và 16 địa phương phải chuyển giao 62 DN về SCIC theo lộ trình: Năm 2017 giao 4 DN; năm 2018 chuyển giao 55 DN về SCIC; năm 2019 chuyển giao 3 DN.
Nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2018, SCIC mới tiếp nhận được 34 DN, trong đó 24 DN chuyển giao theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg và 10 DN chuyển giao theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP.
|
Ông Chi cũng cho biết thêm: “Với hơn 11 năm hình thành và phát triển, SCIC đã thực hiện thoái vốn tại hơn 1.000 DN nên có nhiều kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp. Các DN và các bộ cứ yên tâm khi chuyển giao DN về với SCIC. Mục tiêu của chúng tôi nhất quán là ổn định DN, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN”.
Ông Phạm Quang Hiển Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ NN&PTNT cho biết ngày 17/8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7836 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ chuyển giao 2 DN trên về SCIC. Sau đó, các cơ quan của Bộ phối hợp chặt chẽ, cùng với SCIC, đặc biệt là nhưng người đại diện phần vốn Nhà nước tại 2 DN để tập trung rà soát hồ sơ, số liệu pháp lý theo đúng quy định.
Hai DN này đã cổ phần hoá cách đây 3 năm, tuy nhiên do gặp khó khăn trong xác định giá trị phần vốn Nhà nước còn lại tại DN và gặp nhiều thay đổi trong phương án thoái vốn nên chậm chuyển giao về SCIC. Tuy nhiên, lãnh đạo 2 DN đã nỗ lực bảo toàn được đồng vốn Nhà nước tại DN.
“Chúng tôi tin tưởng khi DN về SCIC sẽ cơ cấu lại DN để phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Hiển nói.
Cơ sở pháp lý về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC đã đầy đủ. Đó là Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội yêu cầu khẩn trương bàn giao phần vốn Nhà nước về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại DN. Nghị định 147/2017/NĐ-CP quy định, SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các loại hình DN. Quyết định 1232/QĐ-TTg yêu cầu nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC. Thông tư 118/2014/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể việc chuyển giao DN về SCIC, thậm chí, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Công văn 4918/VPCP-ĐMDN hối thúc việc bàn giao DN.
Trước đó vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về SCIC.
Đặc biệt, Nghị định 147/2017/NĐ-CP đã quy định, SCIC thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước (không bao gồm công ty nông, lâm nghiệp; DN hoạt động chủ yếu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; DN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; công ty xổ số kiến thiết và một số DN khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) tại công ty TNHH, công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập trực thuộc bộ ngành, UBND cấp tỉnh; công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do bộ, ngành, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu. Đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác, việc chuyển giao thực hiện theo Quyết định hoặc văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thành Chung