Bộ KH&ĐT: Các Bộ vẫn kiểm tra quá nhiều 

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phạm vi mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành vẫn quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định này trong báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 19 gửi Chính phủ mới đây.

Kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2017 đã vượt mốc 400 tỷ USD.

Theo báo cáo, các Bộ, ngành đã nắm rõ yêu cầu của Chính phủ về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Một số Bộ đã có hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ này, như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thông tư của một số Bộ vẫn có xu hướng mở rộng Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của Luật. Diện các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chưa được thu hẹp, mà thậm chí rộng hơn so với trước đây.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ví dụ, “sản phẩm động vật” quy định tại Luật Thú y được mở rộng tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó, phạm vi mặt hàng mở rộng gồm: “các sản phẩm từ sữa”, “các sản phẩm từ trứng”, “thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật”. Điều này khiến cho diện hàng hoá phải kiểm dịch động vật quá rộng, quá mức cần thiết. Ngoài ra, Luật An toàn thực phẩm cũng quy định chỉ thực phẩm tươi sống mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y (Điều 11).

Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục kiểm dịch động vật được cho là còn rất khó khăn, gây tốn kém thời gian và tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Quy định về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật phức tạp hơn nhiều so với quy định về kiểm dịch thực vật tại Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT. Theo phản ánh của doanh nghiệp, khi chậm cấp văn bản đồng ý kiểm dịch, cán bộ Cục Thú y thường trả lời là do quá nhiều hồ sơ mà chỉ có 01 người phụ trách đăng ký cho tất cả các doanh nghiệp trên cả nước. Đây là việc nội bộ của Cục Thú y, nhưng đối tượng chịu hậu quả là doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những nội dung này đã được hiệp hội, doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần báo cáo, kiến nghị, nhưng chưa nhận được phản hồi và tiếp thu nào từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Một ví dụ khác, Nghị định 113/2017/NĐ–CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã thay đổi căn bản việc thực hiện thủ tục khai báo hóa chất, nhưng lại phát sinh khó khăn mới. Đó là việc Nghị định mở rộng phạm vi các mặt hàng  hóa chất phải khai báo.

Vì thế, hàng loạt mặt hàng trước đây nhập khẩu bình thường (bình ác quy chì, mực in, dung môi hữu cơ, dược phẩm, sơn, thuốc nhuộm…), nay phải giám định mới xác định có thuộc diện phải khai báo, xin giấy phép nhập khẩu hay không.

Trong thời gian chờ đợi, hàng hoá phải lưu tại cảng (theo quy định không được đưa về kho bảo quản). Với một số mặt hàng, việc lưu giữ ngoài trời trong thời gian dài sẽ bị hỏng (ví dụ: mặt hàng mực in nếu lưu ngoài trời khoảng 15 ngày thì mực bị khô cứng, không sử dụng được nữa).

Cắt giảm chưa thực chất

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ liên quan tổ chức rà soát Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng (hàng hóa nhóm 2) và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật An toàn thực phẩm.

Qua rà soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến cắt  giảm nhiều mặt hàng, thế nhưng hầu hết mặt hàng kiểm dịch động vật dự kiến cắt giảm là những mặt hàng không phổ biến, ít giao dịch. Trong khi đó, nhiều sản phẩm chế biến sâu có nguồn gốc từ động vật như bơ, sữa, fomai, thực phẩm chế biến bao gói sẵn,... là những mặt hàng nhập khẩu thường xuyên và đã được doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần về bãi bỏ, đơn giản hoá thủ tục kiểm dịch động vật, nhưng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu tâm.

Theo Danh mục hàng hoá nhóm 2 của Bộ Công Thương thì hiện nay danh mục của Bộ đã tối giản, chỉ còn 22 mặt hàng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đưa sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác ra khỏi Danh mục hàng hoá nhóm 2 (được điều chỉnh bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá), nhưng không phải là không quản lý mà vẫn thực hiện quản lý như trước (chỉ đơn thuần đưa ra khỏi Danh mục với lập luận là quản lý theo các pháp luật chuyên ngành khác).

Trong khi đó, nhóm hàng hoá tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến là nhóm hàng có số lượng mặt hàng lớn, được nhập khẩu thường xuyên và tác động tới đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

“Việc Bộ Công Thương đưa hàng hoá tiêu dùng và các nhóm hàng này ra khỏi Danh mục hàng hoá nhóm 2 thì không có nghĩa rằng số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, mà những sản phẩm, hàng hóa này vẫn được quản lý như trước. Như vậy, Danh mục hàng hoá nhóm 2 của Bộ Công Thương tuy được cắt ngắn bằng hình thức thể hiện trên văn bản, nhưng trên thực tế không có sản phẩm, hàng hoá nào được cắt giảm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Thông tư số 31/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ có những nội dung cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp không biết thực hiện thế nào. Ví dụ như các mặt hàng Thiết bị y học cổ truyền (máy sắc thuốc, máy xông hơi,…), doanh nghiệp không biết đăng ký kiểm tra ở đâu, kiểm tra chỉ tiêu gì vì Bộ Y tế không quy định cụ thể.

Vẫn còn nhiều sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa Nhóm 2, nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Ví dụ như Danh mục hàng hoá nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có 33 sản phẩm, hàng hoá, nhưng chưa sản phẩm nào có quy chuẩn kỹ thuật; chỉ có 7 sản phẩm, hàng hoá có TCVN.

Hà Chính

478 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 971
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 971
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87192144