Bộ GTVT: Tiếp tục đăng ký giải ngân thêm vốn đầu tư công cho cả năm sau 

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới Văn phòng hiện trường của các Dự án.
Bộ GTVT: Tiếp tục đăng ký giải ngân thêm vốn đầu tư công cho cả năm sau- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm - Ảnh: mt.gov.vn

Biểu dương các chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu đã quyết tâm và nỗ lực đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT tiếp tục duy trì cao hơn mức trung bình chung cả nước, Bộ trưởng cho biết: Theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng.

Thi công đến đâu, giải ngân đến đó

Hiện tại, kế hoạch vốn năm 2024 Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 59.000 tỷ đồng. Nếu năm 2024 chỉ giải ngân số vốn này, áp lực giải ngân năm sau là khá lớn. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để các ban QLDA, nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh khối lượng.

"Năm 2024 chúng ta tích cực thi công để giải ngân, công tác giải ngân năm sau sẽ bớt nặng nề. Các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công "3 ca, 4 kíp". Thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đồng thời, trước mắt, các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt 2 dự án trong tháng 5 gồm: dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và dự án Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam.

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt 6 dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022, gồm: Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; Tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); Năng cấp QL24B đoạn Km23-Km29 qua Quảng Ngãi; Mở rộng đường bộ cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Cầu đường sắt Cẩm Lý.

Bảo đảm tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các dự án cao tốc trục ngang (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu) để tăng sản lượng giải ngân.

"Hiện nay, đường găng lớn nhất của các dự án nói chung vẫn là giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng thông thường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Các Chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết. Đây là những dự án quan trọng quốc gia mà trực tiếp địa phương được thụ hưởng do vậy cần tập trung giải quyết một số vị trí đường găng: đất yếu, cầu, hầm… để dự án về đích sớm", Bộ trưởng dặn dò.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cho cao tốc giai đoạn 2

Liên quan đến công tác đầu tư hệ thống Quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm tra tải trọng xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Ban QLDA 6 tiếp tục phối hợp với tư vấn để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trong đó, hệ thống ITS phải nghiên cứu phần mềm dùng chung, bảo đảm hiệu quả đầu tư, đồng bộ trên toàn dự án với giá thành hợp lý.

"Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện từ hạ tầng phần cứng, phần mềm, đặc biệt là trạm dừng nghỉ. Phải đảm bảo khi các dự án thành phần được khánh thành, đưa vào khai thác là đủ điều kiện để bàn giao ngay cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành khai thác", Bộ trưởng lưu ý.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 hiện nay đã cơ bản hoàn thành, song, Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục còn lại theo kiến nghị của các địa phương, nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư của dự án, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu chính đáng của nhân dân các địa phương, đồng thời sớm bàn giao cho Cục Đường bộ quản lý, khai thác, vận hành.

Bộ GTVT: Tiếp tục đăng ký giải ngân thêm vốn đầu tư công cho cả năm sau- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng biểu dương tinh thần tương trợ giữa các nhà thầu giúp 2 dự án cao tốc kịp thông xe dịp 30/4. Ảnh: mt.gov.vn

'Văn hóa tương trợ' giúp 2 dự án cao tốc kịp thông xe dịp 30/4

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các ban QLDA, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu tại hai dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt

"Với Cam Lâm - Vĩnh Hảo, có lúc tưởng chừng như không thể về đích nhưng nhà đầu tư, nhà thầu đã dồn toàn lực để đáp ứng, thậm chí là đưa các hạng mục về đích sớm. Tại Diễn Châu - Bãi Vọt, cách đây khoảng 10 ngày còn rất ngổn ngang, việc thông xe dịp 30/4 còn chưa ai dám nghĩ đến. Thế nhưng, các nhà thầu trong liên danh đã có sự tương hỗ tích cực cho nhau. 

Thậm chí, có nhà thầu ở dự án khác đã đưa máy móc, công nhân, kỹ sư đến tư vấn các giải pháp để tăng tốc các hạng mục quan trọng. Đây là tinh thần "cộng đồng trách nhiệm" vì lợi ích chung của đất nước giúp hai tuyến cao tốc có thể khánh thành vào dịp 30/4 tới đây", Bộ trưởng chia sẻ.

Nhiều điểm sáng về giải ngân

Trước đó, báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2024, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn 59.237 tỷ đồng.

Ước đến hết tháng 4/2024, Bộ đã giải ngân được hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Về tình hình triển khai các dự án, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, những tháng đầu năm, việc trình duyệt, thi công các dự án đã bám sát kế hoạch yêu cầu. Trong tháng 4/2024, dự kiến khởi công 8 dự án, hoàn thành 4 dự án. Đến nay, 8 dự án đã được khởi công, 3 dự án được hoàn thành.

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công giải đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, có 65/66 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn lại 1 dự án chưa phê duyệt là dự án nâng cấp, cải tạo 03 tuyến Quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay World Bank.

Có 55/65 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư. Các chủ đầu tư, Ban QLDA đã lập kế hoạch, hoàn thành phê duyệt 10 dự án trong quý 2/2024.

"Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, triển khai đồng thời các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu", ông Tiến thông tin.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thăng cũng yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA phải đảm bảo công khai, minh bạch công tác đấu thầu dự án, đúng quy định của pháp luật và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

Bộ trưởng giao các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ vệc thi công dự án của các nhà thầu theo hợp đồng xử nghiêm các vi phạm, không để dự án chậm tiến độ do nhà thầu huy động không đủ máy móc, nhân lực; Thanh tra Bộ tăng cường nhận diện, kịp thời thanh tra, kiểm tra các dự án, lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Phan Trang

91 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1184
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1184
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87163301