|
Hiện Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm thu phí T2. Ảnh minh hoạ |
Theo đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang), việc đầu tư mở rộng quốc lộ 91 là “hết sức cần thiết”, song với sự bất cập của vị trí đặt trạm thu phí này, đại biểu Phong đề nghị Bộ GTVT tích cực và nghiêm túc nghiên cứu phương án xử lý theo hướng phương tiện giao thông sử dụng dịch vụ bao nhiêu thì trả tiền đúng bấy nhiêu, không thể chấp nhận việc trả phí khi không dùng dịch vụ hoặc trả phí nhiều hơn mức sử dụng dịch vụ. Nếu không, theo đại biểu Đôn Tuấn Phong, Bộ GTVT nên xây dựng phương án di dời trạm này.
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ra quyết định đặt sai vị trí thì phải chịu trách nhiệm, kể cả chi phí di dời”, đại biểu Đôn Tuấn Phong nêu ý kiến.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, trạm thu phí T2 để hoàn vốn đầu tư cho dự án nâng cấp, cải tạo QL91 theo hình thức BOT. Ngoài trạm T2 đặt trên quốc lộ 91 (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ), dự án còn một trạm thu phí khác là T1 đặt ở đầu tuyến quốc lộ 1 (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ).
“Dù dự án đặt hai trạm thu phí trên quốc lộ 91, nhưng chủ phương tiện đi qua hai trạm chỉ phải mua vé một lần”, ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh thừa nhận, giống như các dự án thu phí trên quốc lộ khác, hai trạm thu phí T1 và T2 áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt phương tiện qua trạm). Phương thức thu phí này không thể tránh khỏi bất cập, bởi những phương tiện đi quãng đường ngắn, phải qua trạm thu phí sẽ mất tiền, nhưng cũng có nhiều phương tiện đi quãng đường dài trong phạm vi dự án lại không phải đi qua trạm sẽ không mất tiền sử dụng dịch vụ đường bộ.
Để giải quyết vấn đề bất cập nêu trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương đàm phán với nhà đầu tư để miễn, giảm phí cho người dân khu vực lân cận các trạm thu phí. Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư tiến hành giảm tối đa cho người sử dụng khu vực quanh trạm và các phương tiện lưu thông theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (quốc lộ 80) về tỉnh An Giang (quốc lộ 91) và ngược lại.
“Đến nay, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã miễn giảm giá vé cho 11.793 phương tiện, gồm 1.718 phương tiện thuộc địa bàn TP. Cần Thơ qua trạm T1 và 10.075 phương tiện thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang qua trạm thu phí T2”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầu tư dự án tuyến tránh Long Xuyên. Sau khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, các phương tiện qua khu vực không phải qua trạm thu phí T2.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, mặc dù vị trí đặt trạm T2 trước đây đã được nhà đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ và các cơ quan của địa phương như: Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ cũng đã thống nhất, tuy nhiên, thực tế hiện nay trạm T2 nảy sinh một số bất cập.
“Bộ GTVT ghi nhận bất cập tại trạm thu phí này ở cả hướng các xe di chuyển trên quốc lộ 80 theo hướng Kiên Giang - An Giang và hướng An Giang - Đồng Tháp khi qua trạm T2 trên quốc lộ 91. Bộ GTVT đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án. Phương án xử lý bất cập tại trạm T2 đang trong giai đoạn nghiên cứu. Phương án cụ thể được đưa ra sẽ căn cứ trên cơ sở phương án tài chính dự án, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đồng thời đảm quản hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Hiện Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm thu phí T2”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Phan Trang