Bộ GTVT kêu khó lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam 

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang gặp khó trong việc lựa chọn nhà đầu tư cho “siêu dự án” cao tốc Bắc-Nam, bởi khó khăn không chỉ về vốn, mà còn do cơ chế và hệ thống văn bản pháp luật còn “vênh”.

 

Liên quan đến việc Bộ Tài chính cho rằng "việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai và thực hiện", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, việc lựa chọn nhà đầu tư vào dự án này đang gặp khó khăn.

“Trong bối cảnh hiện nay, chọn nhà đầu tư không dễ dàng, nếu không bố trí được vốn sẽ không thực hiện được. Khi cơ chế được thông qua, trình đồng bộ dự án rồi mà cơ chế và hệ thống văn bản pháp luật còn 'vênh' thì phải đợi ý kiến của Quốc hội. Các nghị định liên quan thì Chính phủ ban hành. Đến khi thông qua chủ trương rồi cũng phải có kế hoạch chi tiết mới có thể phát hành trái phiếu Chính phủ được”, Thứ trưởng cho biết.

Trước đó, trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Tài chính cho rằng, nhiều nội dung trong phương án của Bộ GTVT đang thể hiện tính thiếu khả thi, đặc biệt là vấn đề xác định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo tiền khả thi và năng lực tài chính của các đơn vị được chỉ định để đầu tư một số dự án thành phần.

Theo dự thảo tờ trình triển khai, tổng số dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam là 20 dự án, trong đó giai đoạn 2017-2020 sẽ thực hiện 11 dự án và 9 dự án còn lại được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chưa thể khẳng định sẽ thành công.

Bộ này cũng kiến nghị, nếu đấu thầu không thành công sẽ triển khai dự án theo 2 hướng, bao gồm việc đầu tư một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách theo hình thức đầu tư công và giao Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Cửu Long (CIPM) huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần.

Với những đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng "việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai và thực hiện" bởi năng lực tài chính của VEC và CIPM còn rất hạn chế, dẫn chứng là ngân sách vẫn phải tạm ứng để trả nợ các khoản vay đến hạn do VEC làm chủ đầu tư; một số khoản đang chuyển sang dạng cấp phát do VEC không có khả năng trả nợ.

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ về công tác chuẩn bị trình Quốc hội thông qua chủ trương dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam tại kỳ họp tới, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án được Bộ GTVT chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Từ cuối tháng 3/2017, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng đã thẩm định Báo cáo này và báo cáo kết quả thẩm định.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo, đồng thời, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thành lập các đoàn công tác khảo sát, kiểm tra hiện trường các đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc-Nam.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tiếp thu, giải trình, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam.

Mới đây, thừa ủy quyền của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã trình Bộ Chính trị xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đầu tư cao tốc Bắc-Nam trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 tới.

Phan Trang
471 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 423
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 423
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87216611