Cắt, giảm 61,7% điều kiện kinh doanh
Hiện, Bộ GTVT có 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 5 Luật (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt Việt Nam) và được quy đinh chi tiết tại 20 nghị định của Chính phủ với 570 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trong đó giao các bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành rà soát để cắt bỏ các điều kiện rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc cắt giảm này được thực hiện theo 2 mục tiêu:
Một là, cắt bỏ những điều kiện không phù hợp với quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường như các điều kiện về quy mô, vốn tối thiểu, các quy định can thiệp sâu vào tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, chuyển những điều kiện mang tính quản lý trong quá trình hoạt động về nội dung quản lý để giảm bớt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, tránh các trường hợp phải đầu tư dàn trải ngay từ khi chưa đủ điều kiện được gia nhập thị trường (chưa đủ điều kiện đề được cấp giấy phép hoặc cho phép hoạt động).
Các lĩnh vực đều thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa theo mục tiêu trên, cụ thể: Lĩnh vực đường thủy nội địa cắt giảm, đơn giản hóa 37/49 điều kiện cụ thể (75,51%%); lĩnh vực hàng không cắt giảm, đơn giản hóa 53/78 điều kiện cụ thể (67,95%); lĩnh vực đường bộ cắt giảm, đơn giản hóa 83/127 điều kiện cụ thể (66,35%); lĩnh vực đường sắt cắt giảm, đơn giản hóa 17/26 điều kiện cụ thể (65,38%); lĩnh vực hàng hải cắt giảm, đơn giản hóa 109/189 điều kiện cụ thể (57, 67%%); lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ cắt giảm, đơn giản hóa 38/70 điều kiện cụ thể (54,28%); lĩnh vực đa phương thức và vận tải hàng nguy hiểm cắt giảm, đơn giản hóa 15/31 điều kiện cụ thể (48,39%).
Như vậy, tổng số điều kiện cắt giảm, đơn giản hóa 352/570 điều kiện, đạt tỷ lệ 61,75%. Trong đó, lĩnh vực đường thủy nội địa là lĩnh vực có tỷ lệ cao nhất (75,51%).
Tuy nhiên, lĩnh vực hàng hải lại là lĩnh vực đột phá nhất. Ngoài việc cắt giảm 57,67% điều kiện kinh doanh thì lĩnh vực này đã đề xuất bỏ 1 giấy chứng nhận (giấy chứng nhận kinh doanh vận tải biển); đề nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm ngành nghề nhập khẩu pháo hiệu hàng hải (thuộc ngành nghề kinh doanh các loại pháo) và thanh thải chướng ngại vật (thuộc ngành nghề bảo đảm hàng hải).
"Thêm 1 thủ tục là thêm việc, thêm bức xúc"
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, hiện nay, các tiêu chí để xác định cụ thể cách tính số lượng điều kiện kinh doanh chưa được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, do đó, giữa các bộ hoặc trong nội bộ của Bộ còn có cách hiểu khác nhau về điều kiện đầu tư kinh doanh và các điều kiện của quy chuẩn kỹ thuật, nên còn có sự chênh lệch tương đối lớn về số lượng.
Thêm nữa, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, một số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay đang được quy định tại văn bản luật, vì vậy, để cắt giảm các điều kiện này phải thực hiện việc sửa các luật có liên quan.
Theo quy định, các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh này sẽ được lấy ý kiến Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp. Sau khi hội thảo và tổng hợp ý kiến sẽ trình Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định và đăng tải trên Cổng TTĐT của Bộ GTVT để người dân, doanh nghiệp biết, giám sát, đánh giá thực hiện.
Trước đó, ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Bộ trưởng đã khẳng định: "Chỉ cần giảm được thêm một thủ tục hành chính đã giảm được rất nhiều thời gian, chi phí cho xã hội. Thêm một thủ tục là thêm việc, thêm bức xúc. Nếu đơn giản hóa được thủ tục hành chính nào, người dân, doanh nghiệp đỡ được chừng ấy”.
Người đứng đầu ngành giao thông đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và quy định nào bất hợp lý, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh, gia tăng chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, phải lập tức bãi bỏ.
Phan Trang