Bộ GTVT 'chạy nước rút' giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng 

(Chinhphu.vn) - Tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ GTVT được giao khoảng 43.401 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2021, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 22.386 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch cả năm. Những tháng cuối năm, ngành giao thông tiếp tục "chạy nước rút" để giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng trong bối cảnh vừa thi công, vừa phòng, chống dịch trên công trường.

 

Công tác thi công trên các công trường, nhất là các dự án khu vực phía nam đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Phan Trang

Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, trong tháng 9/2021, Bộ GTVT giải ngân khoảng 4.197 tỷ đồng, giá trị giải ngân lũy kế đạt 61,4% kế hoạch cả năm. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2021, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân 20.914 tỷ đồng, gồm: 2.553 tỷ đồng vốn nước ngoài và 18.361 tỷ đồng vốn trong nước.

Khối lượng giải ngân sẽ tập trung ở các dự án trọng điểm như các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông, 14 dự án đường bộ, đường sắt cấp bách và các dự án trọng điểm giao vốn lớn (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất).

Hiện nay, một số dự án có tỉ lệ giải ngân cao, gồm 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, hết tháng 8/2021 lũy kế giải ngân 8.952/15.307 tỷ đồng (đạt hơn 58%) cơ bản đáp ứng yêu cầu; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giải ngân 995/1.811 tỷ đồng (đạt gần 55%) cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, còn 2 dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất lũy kế giải ngân 456/1.465 tỷ đồng (đạt hơn 31%) chưa đạt yêu cầu.

Đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 63, đến hết tháng 9/2021, các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân được tối thiểu 60% kế hoạch năm 2021. Hiện nay, các chủ đầu tư đã đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT sẽ giải ngân được 4.197 tỷ đồng, đưa giá trị giải ngân lũy kế đến hết tháng 9 đạt 61,4% kế hoạch cả năm, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Vừa thi công, vừa chống dịch

Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) và ghi nhận kiểm tra trực tiếp tại hiện trường các dự án giao thông, công tác thi công trên các công trường, nhất là các dự án khu vực phía nam đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các Ban quản lý dự án và chủ đầu tư đều phản ánh về việc vận chuyển máy móc, thiết bị, nhân sự của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Đặc biệt, trên công trường một số dự án giao thông trọng điểm (nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây,…) đã xuất hiện trường hợp công nhân nhiễm COVID-19.

Đại diện Ban QLDA 7 (phụ trách dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết) cho biết, dù các đơn vị tại dự án đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tổ chức cách ly, điều trị cho công nhân nhiễm COVID-19 nhưng phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công và tâm lý của người lao động.

Thêm vào đó, một số địa phương yêu cầu các nhân sự tham gia thi công phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần. Tuy nhiên, các địa điểm xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại trung tâm Thành phố, gây khó khăn trong việc đi lại cho các kỹ sư, nhân công khi có nhu cầu xét nghiệm. Một số thời điểm, địa phương cấm xe vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu gây không ít khó khăn cho các đơn vị trong việc lập kế hoạch và triển khai thi công.

Một vấn đề nữa mà các dự án giao thông trọng điểm vẫn đang gặp phải là thiếu vật liệu xây dựng.

Theo phản ánh của Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7, sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 60 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng tình hình cấp phép cho các mỏ vật liệu tại các địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai vẫn chưa có nhiều chuyển biến, khiến nhà thầu dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu thi công đắp nền đường.

Để tăng tốc tiến độ giải ngân, ngày 1/9, Bộ GTVT đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm Tổ trưởng.

Tổ công tác đặc biệt này có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án; rà soát, tổng hợp đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân dự án theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

Hiện nay, để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công các dự án trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, trước mắt, Bộ GTVT đã và đang yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tiếp tục phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trên công trường, xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể để đảm bảo thi công trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài.

Đồng thời, để ổn định tinh thần và bảo đảm sức khỏe cho người lao động để thi công trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện tổ chức “3 tại chỗ”, sắp xếp, bố trí điều kiện sinh hoạt ổn định cho công nhân, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cơ quan này cũng tiếp tục đề nghị Bộ Y tế, chính quyền địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân đang làm việc tại các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Phan Trang

159 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1073
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1073
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162645