|
Ảnh minh họa |
Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa lần này là 352/570 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 61,75%. Trong đó, lĩnh vực đường bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 83/127 điều kiện cụ thể, chiếm 66,35%.
Bản thân DN sẽ nắm rõ nhất nhu cầu thị trường
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN đối với danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 26/3, theo PGS.TS Ngô Trí Long, với danh mục dự kiến cắt giảm 83 điều kiện kinh doanh của Bộ GTVT trong lĩnh vực đường bộ cần nhấn mạnh việc "loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp".
"Còn quá nhiều quy định mang nặng tính áp đặt hành chính, can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: yêu cầu về phương án kinh doanh, bố trí đủ xe và lái xe, có nơi đỗ xe phù hợp, người điều hành... Bản thân doanh nghiệp sẽ nắm rõ nhất nhu cầu thị trường để có phương án kinh doanh, nhân sự phù hợp, không cần Nhà nước quy định", TS. Ngô Trí Long nói.
Thêm nữa, một số quy định như buộc doanh nghiệp vận tải hợp đồng không được ấn định trước lịch trình, hành trình; chỉ được ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe... theo TS. Ngô Trí Long đã "trực tiếp hạn chế quyền dân sự hợp pháp của doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả hoạt động vận tải".
TS. Ngô Trí Long cho rằng, quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo tới cơ quan quản lý trước khi thực hiện hoạt động vận tải mang nặng tính thủ tục mà không đi vào thực chất.
"Mỗi ngày có hàng trăm nghìn, hàng triệu chuyến xe, cơ quan quản lý có đủ năng lực để tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ đó không, mục đích sử dụng thông tin đó để làm gì?", TS. Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Đi vào cụ thể hơn, đối với xe hợp đồng, TS. Ngô Trí Long cho rằng nên bãi bỏ 2 quy định về: "lái xe mang theo hợp đồng, danh sách hành khách theo quy định" và "đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách". Bởi những quy định này không có hiệu quả quản lý, thậm chí cản trở tiến bộ xã hội và làm tắc đường.
Đối với xe taxi, chuyên gia kinh tế này cho rằng nên bỏ hẳn 3 quy định gồm: "số xe tối thiểu của mỗi doanh nghiệp (50 xe ở Hà Nội, TPHCM và 10 xe ở tỉnh, thành phố khác"; "chịu quy hoạch số lượng phương tiện tối đa"; "Trách nhiệm của lái xe: giữ gìn vệ sinh phương tiện, cung cấp thông tin theo yêu cầu hành khách, hướng dẫn khách lên xuống xe".
"Những quy định trên là lạc hậu, Nhà nước không cần can thiệp vào việc này mà nên để các doanh nghiệp tự quản lý. Nhà nước chỉ cần quy định cụ thể về kỹ thuật và tiêu chuẩn mà mọi doanh nghiệp phải đáp ứng", TS. Ngô Trí Long nói.
Cần có quan điểm cởi mở với dịch vụ mới
Liên quan đến những tranh cãi xoay quanh việc có nên quản lý Uber, Grab như taxi truyền thống hay không, TS. Ngô Trí Long cho rằng, nếu như quản lý loại hình này như xe taxi sẽ dẫn tới 2 hậu quả.
Thứ nhất, sẽ biến hàng chục nghìn xe hợp đồng đang sử dụng ứng dụng trung gian của Uber, Grab trở thành xe taxi.
Thứ hai, triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc, các đơn vị vận tải hợp đồng không được hưởng thành quả tiến bộ của công nghệ mới để tiết kiệm chi phí. Điều này đi ngược với chủ trương của Chính phủ là cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh cho DN.
"Thế giới coi Uber, Grab là "một loại dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" chứ không phải "phương thức kinh doanh vận tải" như vận tải bằng taxi, xe hợp đồng ở Việt Nam. Vì vậy, xét về vai trò thì nên gọi dịch vụ này là "dịch vụ kết nối vận tải" là phù hợp nhất", TS. Ngô Trí Long nhận định.
Cùng quan điểm với TS. Ngô Trí Long, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xu hướng của nền kinh tế hiện đại hiện nay không thể tư duy là nếu làm kinh doanh phải tổ chức tất cả các khâu từ đầu đến cuối mà các nhà đầu tư bây giờ chỉ chọn 1 mắt xích trong chuỗi đó để làm.
"Chúng ta buộc phải chấp nhận cuộc chơi người ta kinh doanh đến đâu ta điều chỉnh đến đấy, người lao động sẽ tự phải tính toán trang trải cho cuộc sống của họ. Môi trường kinh doanh công bằng khi mọi hoạt động kinh doanh phải trả thuế chứ không thể bắt họ chịu trách nhiệm cho tất cả các khâu của hoạt động kinh doanh đó. Theo tôi, về cơ bản, những điều kiện về kinh doanh taxi đều có thể được bãi bỏ", ông Phan Đức Hiếu nói.
Ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia kinh tế, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã có từ năm 2008, đến nay đã 10 năm thực hiện, thời điểm đó chưa phát sinh nhiều ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay, trong quá trình vừa qua Luật chưa dự báo được hết tình hình. Do vậy, Bộ GTVT đang trong quá trình xem xét, đánh giá các quy định dựa trên thực tiễn và sẽ có những điều chỉnh phù hợp nhất.
"Riêng về hình thức taxi công nghệ như Uber, Grab, Nghị định 86 thời gian qua cũng đã phát sinh nhiều bất cập chưa theo kịp thực tiễn, Bộ GTVT đã có sự tham vấn các DN, Hiệp hội để sửa đổi. Còn việc ứng dụng công nghệ thông tin, tôi khẳng định mọi loại hình kinh doanh vận tải đều khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin. Vấn đề là chúng ta quản lý đến đâu", bà Nga khẳng định.
Phan Trang