Bộ GTVT cam kết giao mặt bằng sạch trước khi triển khai cao tốc Bắc-Nam 

(Chinhphu.vn) – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GTVT lên kế hoạch cụ thể về việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho cao tốc Bắc-Nam. Đây là thách thức và cũng là rủi ro của dự án. Toàn bộ kinh phí GPMB dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để làm. Bộ GTVT cam kết cơ bản giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trước khi triển khai dự án.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cho nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 được tổ chức hôm nay (17/5), Bộ GTVT cho biết có 70 nhà đầu tư nước ngoài và gần 100 nhà đầu tư trong nước tham gia. Tại đây, tất cả các câu hỏi của các nhà đầu tư đặt ra đều được đại diện các Bộ GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tư vấn dự án giải đáp, cung cấp thông tin.

Giải đáp mọi thắc mắc của nhà đầu tư

Ông Nguyễn Nhật cho biết, 8 dự án PPP sẽ thực hiện đấu thầu quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và quy định quốc tế. Vì thế, Bộ GTVT đã thuê 2 tư vấn Deloitte và Ernst & Young thuộc TOP 4 nhà tư vấn giao dịch hàng đầu thế giới để tư vấn soạn thảo hồ sơ mời thầu, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng.

"Chúng tôi không phân biệt, bất cứ nhà đầu tư dù đến từ nước nào miễn có đủ kinh nghiệm, năng lực, chi phí thực hiện dự án hợp lý sẽ được lựa chọn công khai qua đấu thầu quốc tế", ông Nguyễn Nhật khẳng định.

Ngoài các vấn đề cụ thể liên quan đến đấu thầu, các nhà đầu tư quan tâm đến việc Chính phủ Việt Nam có biện pháp giảm thiểu rủi ro cho họ hay không trong khi pháp luật Việt Nam chưa quy định việc bảo lãnh doanh thu, tỉ giá cho các dự án PPP đường cao tốc có vòng đời 17-24 năm; trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải phóng mặt bằng dự án, việc ứng dụng những kỹ thuật công nghệ hiện đại để hiệu quả hơn trong quá trình thi công dự án, sự ổn định của pháp luật…

Thông tin đến các nhà đầu tư, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, về việc bảo lãnh ngoại tệ, pháp luật Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có quyền mua ngoại tệ, nhà đầu tư được quyền chuyển lợi nhuận vốn hợp pháp về nước. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng sẽ bảo lãnh ngoại hối.

Đối với việc nhà đầu tư lo ngại về tỉ giá biến động, nhà đầu tư đề xuất việc tính tỉ suất lợi nhuận hoàn vốn bằng đồng USD, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, theo quy định giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam phải sử dụng đồng tiền Việt Nam, do đó tỉ suất lợi nhuận hoàn vốn (tương đương 11,7%) cũng sẽ được tính trên đồng Việt Nam.

Đại diện Bộ KH&ĐT trả lời về vấn đề bảo lãnh doanh thu cũng cho biết, vấn đề này chưa được quy định trong Nghị định 63 của Chính phủ về đấu thầu theo hình thức công-tư nên việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu là khó thực hiện. Bộ KH&ĐT cho hay, với những ý kiến của nhà đầu tư, Bộ này sẽ đưa vấn đề bảo lãnh doanh thu tối thiểu vào Nghị định để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình lên Chính phủ.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ đối tác công-tư (PPP) cho biết, do việc bảo lãnh doanh thu tối thiểu chưa được quy định trong pháp luật nên Bộ GTVT sẽ nghiên cứu cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam, hồ sơ phương pháp tính toán sẽ được thể hiện trong hồ sơ mời thầu và lấy ý kiến của bộ, ngành liên quan trong hồ sơ mời thầu.

Cam kết mặt bằng sạch, khuyến khích áp dụng công nghệ

 

Ngoài những thông tin trên, đại diện Vụ PPP cũng cung cấp đến các nhà đầu tư quan tâm đến dự án một số vấn đề như:

Việc triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia Dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỉ lệ 20% tổng vốn đầu tư BOT.

Mức giá dịch vụ giai đoạn khởi điểm là 1.500 đồng/PCU/km, tăng dần đến 3.400 đồng/PCU/km.

Sử dụng giá trị vốn góp của Nhà nước thông qua đấu thầu là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư. Sau khi đã giải ngân hết 50% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và đủ điều kiện giải ngân phần vốn vay, sẽ thực hiện giải ngân song song theo tỉ lệ phần vốn đầu tư của Nhà nước, vốn vay thương mại và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên cơ sở khối lượng thực hiện được nghiệm thu và được quy định tại hợp đồng dự án.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ GTVT đều khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ tiến tiến, hiện đại trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng-giảm do nhà đầu tư chịu hoặc được hưởng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với phương châm công khai, minh bạch để chọn được những nhà đầu tư uy tín cả về năng lực tài chính và kinh nghiệm để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Quốc hội đã có nghị quyết bố trí 55.000 tỷ đồng cho 11 dự án thành phần. Với 8 dự án PPP hiện đã bàn giao gần 100% mốc mặt bằng cho các địa phương; đồng thời đã bố trí khoảng 15.000 tỷ để thực hiện GPMB. Các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện.

"Hy vọng đầu năm 2020, khi tìm được các nhà đầu tư, mặt bằng dự án cũng được giải quyết cơ bản, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án", Bộ trưởng nói và cho biết, khoảng 27.500 tỷ đồng được Chính phủ đầu tư cùng các nhà đầu tư vào 8 dự án PPP cũng đã có sẵn. Khi có nhà đầu tư sẽ được giải ngân ngay.

Phan Trang

373 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 851
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 851
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87056439