Bộ Giao thông Vận tải đồng tình đổi vật liệu bằng lái xe 

(ĐCSVN) – Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được cập nhật, bổ sung (cơ quan chủ trì dự thảo là Bộ Công an), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất đề xuất đổi bằng lái xe từ vật liệu bìa giấy sang vật liệu nhựa cứng (PET).

 

 Giấy phép lái xe bằng chất liệu giấy. (Nguồn ảnh: Báo Công Thương)

Lý giải cho việc này, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái xe người dân còn đang sử dụng là bìa giấy, những giấy phép lái xe này chủ yếu là cấp cho người điều khiển mô tô - xe máy, bao gồm các loại bằng A1, A2 và A3. Đây là các loại bằng lái mô tô được cấp trước năm 2012 và không có thời hạn sử dụng.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), hiện nay các giấy tờ cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước cấp, trong đó có giấy phép lái xe sẽ được số hóa và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (VNeID). Do vậy, cùng với giấy phép lái xe ô tô, giấy phép lái xe máy cũng cần chuẩn hóa theo các quy định mới để cập nhật, tạo sự quản lý đồng bộ trên cả nước.

Về nguyên nhân bằng lái xe máy phải đổi vật liệu PET mới cập nhật được lên hệ thống ứng dụng VNeID, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý người lái và phương tiện (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay: Do giấy phép lái xe máy vật liệu bìa giấy đang thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư VNeID.

Từ thực tế trên, cơ quan soạn thảo đã đề xuất đưa nội dung này vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp gần nhất.

Tuy nhiên, dự thảo đưa ra quy định này đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) nói rằng, ở góc độ quản lý nhà nước, việc đổi bằng lái xe máy để tích hợp với hệ thống quản lý dân cư cả nước là phù hợp. Tuy nhiên, cần xem xét thực tế, mức độ cần thiết cho công tác quản lý đến đâu thì chưa có thông tin.

Chủ tịch VATA đánh giá, nếu dự thảo luật được thông qua, ngoài yếu tố xã hội, chi phí cho việc thực hiện này cũng rất lớn, trong đó có chi phí nhà nước phải chi cho việc thực hiện; chi phí người dân phải bỏ ra khi đi đổi bằng lái.

Hiện nay việc cấp, đổi 1 bằng lái xe máy người dân phải trả chi phí là 135.000 đồng/trường hợp. Như vậy với 22 triệu bằng lái xe máy phải đổi, số kinh phí người dân phải bỏ ra cho việc này là khoảng 30.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến việc người dân phải dành thời gian cho việc đi làm thủ tục, phải xếp hàng, đi lại nhiều lần nếu các điểm cấp, đổi, giao dịch bị quá tải.

"Với mức chi phí lớn như vậy thì cơ quan thẩm định dự thảo luật và cơ quan soạn thảo cần làm rõ sự cần thiết của việc đổi bằng lái xe này. Từ đó, có đánh giá tác động xã hội; thời gian, chi phí người dân bỏ ra, hiệu quả của chính sách mang lại. Cần làm rõ như vậy để cung cấp dữ liệu, thông tin đầy đủ giúp người dân, cơ quan thẩm tra có ý kiến sát thực nhất", ông Quyền đề nghị./.

 
KC
179 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 545
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 546
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77986319