Bộ đội Cụ Hồ tiếp sức học sinh nghèo vượt khó 

(ĐCSVN) - Bên cạnh giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 còn phát động phong trào “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, con em các gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường.
Bộ đội Cụ Hồ tiếp sức học sinh nghèo vượt khó

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bên cạnh giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 còn phát động phong trào “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Với tình cảm thắm đượm nghĩa tình, từ năm 2015 đến nay, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tiếp sức cho hàng trăm lượt học sinh tiếp tục được tới trường.

Bên cạnh việc đỡ đầu, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, con em các gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường, cán bộ, chiến sĩ  Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 còn tích cực chăm lo sức khỏe, bồi dưỡng thêm kiến thức cho các cháu nhỏ. 

Những ngày đầu năm học mới này, với hầu hết các em nhỏ ở các địa phương là niềm phấn khởi được đến trường gặp thầy cô, bạn bè để nuôi ước mơ của mình. Vậy nhưng, với rất nhiều em nhỏ ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nguy cơ không được tiếp tục tới trường luôn là nỗi lo thường trực. Trước ngày khai giảng năm học 2020 - 2021, có dịp cùng Đoàn cán bộ Trung đoàn Nông Lâm 52, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đi thăm, trao quà hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đơn vị nhận đỡ đầu, chúng tôi thấy rõ hơn ý nghĩa thiết thực và tình nhân văn sâu sắc của phong trào.

Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Hồ A Miêng lụp xụp nằm ở gần cuối thôn Cu Vơ, xã Hướng Linh, những ngày núi rừng huyện Hướng Hóa đổ mưa càng trở nên ảm đạm hơn. Những tấm bạt cùng những miếng gỗ không đủ ngăn nổi cơn mưa tạt vào nhà. Tài sản trong nhà chỉ là chiếc giường xập xệ, chiếc bàn xiêu vẹo và mấy thứ đồ dùng gia dụng đã cũ. Sắp bước vào năm học mới nhưng hai con của chị vẫn chưa có sách vở, quần áo để tới trường. Khi nghe Trung tá Trần Văn Cương, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 52 thông báo, hôm nay đơn vị đến trao quà, hỗ trợ cho hai cháu cháu Hồ A Ran và Hồ A Kít đầu năm học mới, không khí gia đình chị Miêng mới vui hẳn lên.

 Tìm hiểu chúng tôi được biết, hoàn cảnh gia đình chị Miêng vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn, bởi chồng chị mất sớm. Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, lúc nông nhàn ai thuê gì làm nấy. Qua khảo sát, Trung đoàn Nông Lâm 52 nhận thấy, nguy cơ hai con chị Miêng phải nghỉ học là rất cao. Để giúp các cháu tiếp tục đến trường Đội sản xuất 2 đã nhận đỡ đầu hai cháu.

 Còn với hoàn cảnh gia đình cháu Hồ Thị Cúc ở thôn Tri, xã Hướng Lập cũng không khá hơn là mấy. Năm Cúc học lớp 4 thì bố qua đời. Một mình mẹ nuôi 4 anh em ăn học nên Cúc phải nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ. Trước tình hình đó, Đội sản xuất 3 đã nhận đỡ đầu để chị em Cúc tiếp tục đến trường. Vào đầu năm học và hàng tháng Đội sản xuất 3 đều trích từ quỹ tiết kiệm cá nhân hỗ trợ em sách vở, quần áo và một số nhu yếu phẩm. Ngoài ra, hàng tuần Đội sản Xuất 3 còn cử cán bộ, nhân viên giúp đỡ chị em Cúc trong học tập. Từ sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3, kết thúc năm học 2019-2020, Cúc đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học và chuẩn bị lên cấp 2. Không chỉ đỡ đầu cháu Hồ Thị Cúc, thực hiện phong trào “Nâng bước em tới trường” Đội sản xuất 3 còn nhận hỗ trợ, đỡ đầu 3 học sinh khác tiếp tục đến trường.

 Theo đồng chí Đại tá Nguyễn Đức Thạo, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cho biết, do điều kiện đời sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn, nên việc học của con trẻ tại một số gia đình chưa được coi trọng. Từ thực tế đó, hàng năm vào đầu năm học tỉ lệ học sinh nghỉ học rất cao. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn còn nhiều khó khăn, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị xác định, bên cạnh giúp đồng bào xóa nghèo thì phải chú trọng xóa mù cho nhân dân. Theo đó, cùng với việc mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào, Đảng ủy Đoàn đã phát động phong trào “Nâng bước em tới trường”. Để phong trào đạt hiệu quả thiết thực, đơn vị tích cực phối hợp với Ban Giám hiệu các nhà trường và cấp ủy, chính quyền địa phương rà xét, lựa chọn những trường hợp đặc biệt khó khăn, phân công cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp đỡ đầu. Tùy vào hoàn cảnh từng em, các cơ quan, đơn vị đề ra những chủ trương, biện pháp phù hợp để giúp đỡ. Việc đầu tiên chỉ huy đơn vị đến các gia đình có các em trong tuổi đến trường đang nghỉ học ở nhà hoặc có nguy cơ phải nghỉ học để vận động gia đình cho các em tiếp đi học. Cùng với đó, các cơ quan, đội sản xuất hỗ trợ một phần kinh phí và cử cán bộ trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ các em trong học tập.

 “Phong trào đỡ đầu các cháu học sinh nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập trên địa bàn 5 xã vùng dự án Kinh tế - Quốc phòng Khe Sanh là một trong những việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hiệu quả từ phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng và nhận được sự quan tâm đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình không chỉ của cán bộ, đảng viên, nhân viên đơn vị mà còn được các tổ chức chính trị trên địa bàn hưởng ứng. Đến nay, 100% cơ quan, tổ chức chính trị ở huyện Hướng Hóa hưởng ứng, thực hiện phong trào “Nâng bước em tới trường”. Những đóng góp của Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, qua đó tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân”- đồng chí Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa khẳng định./.

 
Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng
844 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 681
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 681
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88314786