Bộ Công Thương thừa nhận thiếu chủ động khi “đón sóng” điện mặt trời 

(Chinhphu.vn) – Trả lời tại phiên chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sự tập trung quá lớn dự án điện mặt trời ở các tỉnh có bức xạ cao như Ninh Thuận, Bình Thuận, cùng với sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương trong dự báo, triển khai các biện pháp cần thiết nên dẫn đến các dự án điện mặt trời không giải tỏa hết công suất.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội chiều 6/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Năm 2020 giải tỏa 60-70% công suất điện mặt trời

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về các vấn đề liên quan đến điện mặt trời gồm: Quy hoạch Điện VII bị phá vỡ, cơ sở của mức giá 9,3 cent/kWh và sự quá tải của hệ thống lưới điện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sở dĩ số lượng dự án điện mặt trời vượt quy hoạch là do tại thời điểm phê duyệt Quy hoạch Điện VII (năm 2017), Bộ Công Thương chưa dự kiến được sự phát triển của loại hình này bởi “thời điểm đó công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời không đủ để tạo đột biến”.

Còn mức giá 9,35 cent/kWh, Bộ trưởng cho biết, sở dĩ phải đưa ra mức giá ưu đãi đó vì Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu điện rất lớn vào năm 2019-2020.

“Điện mặt trời, điện gió được xem là một nguồn bổ sung đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Trên thực tế, với mức giá 9,35 cent/kWh được duy trì đến hết 30/6/2019, ta đã có 4.900 MW điện mặt trời hoàn tất, đi vào vận hành, đóng góp lớn cho nguồn điện cả nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời đã kéo theo hệ lụy là sự quá tải của hệ thống truyền tải điện.

“Sự tập trung quá lớn dự án điện mặt trời ở các tỉnh có bức xạ cao như Ninh Thuận, Bình Thuận, cùng với sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương trong dự báo, triển khai các biện pháp cần thiết dẫn đến các dự án điện mặt trời không giải tỏa hết công suất”, Bộ trưởng nói.

Để giải quyết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã báo cáo Chính phủ, xin bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp với mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60-70% (hiện tỉ lệ này là 30-40%).

Sử dụng vốn vay để kéo dài Chương trình cấp điện nông thôn

Trả lời Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) về việc các dự án đưa điện về nông thôn và miền núi không đạt mục tiêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, đạt 100% số xã có điện trên phạm vi cả nước; phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm tưới quy mô vừa và nhỏ khu vực đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố), kết hợp cấp điện cho các hộ dân chưa có điện khu vực lân cận; tăng cường cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo, các đảo.

Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 khoảng 2.218 tỷ đồng (vốn trong nước) và vốn do Liên minh châu Âu tài trợ không hoàn lại khoảng 2.525 tỷ đồng (vốn ODA).

Đến nay, huy động vốn Ngân sách cho Chương trình khoảng 4.743 tỷ đồng và đối ứng của các chủ đầu tư, đạt khoảng 18,5% tổng nhu cầu vốn, còn thiếu tới 81,5% tổng nhu cầu vốn.

Về vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, Bộ Công Thương trình nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 20.856 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực.

“Tuy nhiên, cuối 2017, đầu 2018 trần nợ công lên cao, xấp xỉ mức giới hạn, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT rà soát các dự án dùng vốn vay danh nghĩa quốc gia, tạm thời không xem xét nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu. Vì vậy, các dự án này không được cấp vốn”, Bộ trưởng cho biết.

Do đó, không hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ được sử dụng điện,

Về giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, do tốc độ tăng nợ công giảm, trần nợ công đang thấp hơn ngưỡng an toàn. Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và WB.

“Sau khi có biện pháp giảm trần nợ công, đã có cơ sở để tiếp tục thực hiện, làm việc với WB và Liên minh châu Âu với quy mô hơn 24.000 tỷ đồng. Bộ Công Thương sẽ xem xét sử dụng nguồn vay từ các tổ chức quốc tế để làm các dự án quan trọng này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Phan Trang

291 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1310
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1310
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88989932