Bộ Công Thương: Sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới 

(Chinhphu.vn) – Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: VGP.

Chiều hôm qua (3/5), Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo về việc Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019. Bộ Công Thương đã thực hiện chỉ đạo này thế nào?

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Quyết định ban hành cùng ngày (3/5).

Thành phần Đoàn gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện một số hiệp hội ngành hàng...

Đoàn kiểm tra sẽ thực hiện việc kiểm tra trên 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm đảm bảo việc thực hiện điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 648. Đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng sẽ kiểm tra tình hình sử dụng điện của một số khách hàng lớn tại từng khu vực, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới chi phí mua điện và giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với những phản ánh của nhân dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xử lý, giải đáp đầy đủ, thấu đáo các thắc mắc của khách hàng và thực hiện truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng đúng theo quy định. Nếu có sai sót trong quá trình ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện, xử lý trách nhiệm các cá nhân tập thể liên quan.

Đối với người tiêu dùng yêu cầu là EVN phải minh bạch thông tin về cơ cấu giá thành. Bộ Công Thương đã làm gì để thực hiện giám sát sự minh bạch giá thành của EVN?

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Việc minh bạch giá thành bán điện Bộ Công Thương đã thực hiện trong nhiều năm, không phải bây giờ mới làm. Cụ thể:

Từ năm 2010 đến nay, hằng năm Bộ Công Thương đều chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) để thành lập đoàn kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện EVN và tổ chức họp báo, đăng web thông cáo báo chí để công bố, công khai các thông tin về giá thành, các khoản còn treo chưa được tính vào giá điện và tình hình lãi/lỗ của EVN.

Năm 2014, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc thực hiện công khai minh bạch giá điện, theo đó, định kỳ hằng tháng, quý thực hiện công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương về tỉ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện mua, giá mua điện bình quân hằng tháng của EVN, phụ tải cực đại và công suất khả dụng của hệ thống điện…

Bộ Công Thương cũng đã chủ động cung cấp các thông tin liên quan về các thông số đầu vào có ảnh hưởng đến giá điện tại các buổi họp báo định kỳ của Bộ Công Thương, của Văn phòng Chính phủ để người dân sớm nắm bắt được tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện.

Trước đây Bộ Công Thương đã từng tham vấn ý kiến các bộ ngành việc rút gọn bậc thang giá điện, tuy nhiên sau đó đã dừng lại. Xin ông cho biết lý do vì sao và việc chia giá điện theo 6 bậc thang hiện còn hợp lý không?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Trước đây Bộ Công Thương đã nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi về các phương án giá điện bậc thang. Tuy nhiên, tính tới các mục tiêu như bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đơn giản trong sử dụng thì phương án giá điện bậc thang hiện nay vẫn là phương án được nhiều người chấp nhận hơn cả.

Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước, nhà máy đắt phát sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Vì đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc... các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… đều áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần.

Ở nước ta, trong năm 2018, số hộ sử dụng điện ở mức 100 kWh/tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm hơn 35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt cả nước. Do vậy giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0 - 50 kWh) và bậc 2 (từ 51 - 100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân nhằm mục tiêu hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp, các bậc thang còn lại có giá cao hơn.

Tuy nhiên, do đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao, việc lắp đặt công tơ điện tử thay cho công tơ cơ cho hộ sinh hoạt ngày càng nhiều nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là cần thiết.

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về anh sinh xã hội.

Theo Thứ trưởng, khi có thị trường bán điện cạnh tranh đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì người dân có được tiếp cận một giá bán điện hợp lý hơn không?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Hiện nay hoạt động trong ngành điện, đặc biệt trong lĩnh vực phát điện không chỉ có EVN mà còn có nhiều doanh nghiệp khác, như các tập đoàn kinh tế nhà nước PVN, TKV, các nhà máy BOT của các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà máy điện độc lập của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Trong lĩnh vực phân phối điện cũng có những doanh nghiệp ngoài EVN đang cung cấp điện cho các khu công nghiệp, các khu chung cư, các hợp tác xã kinh doanh, dịch vụ điện... và chúng ta đang trong quá trình xây dựng thị trường điện mà EVN sẽ chỉ là một trong số nhiều thành viên tham gia thị trường.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ, bao gồm: Thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành từ ngày 1/7/2012, thị trường bán buôn cạnh tranh đã vận hành từ 1/1/2019, thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2023.

Để chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng thiết kế thị trường đi đôi với việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020; đồng thời xây dựng cơ chế để triển khai thực hiện thí điểm cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo được trực tiếp bán điện cho khách hàng sử dụng điện, tạo nền tảng cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong các năm tiếp theo.

Để đảm bảo thị trường điện hoạt động minh bạch, hiệu quả, Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành điện phù hợp với từng cấp độ thị trường điện.

Khi thị trường bán lẻ cạnh tranh đi vào hoạt động, khách hàng có thể tự lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình với giá cạnh tranh trên thị trường.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Phan Trang (thực hiện)

300 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 644
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 644
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88305034