Bộ Công Thương nêu giải pháp ổn định thị trường xăng dầu cuối năm 

(Chinhphu.vn) - Chiều 12/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo quý III với nội dung chủ yếu liên quan đến điều hành xăng dầu, các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu cuối năm.
Bộ Công Thương nêu giải pháp ổn định thị trường xăng dầu cuối năm - Ảnh 1.

Thiếu hụt xăng dầu khiến người dân phải xếp hàng nhiều giờ để mua xăng - Ảnh minh họa

Tại họp báo, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thừa nhận có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

DN đầu mối thiếu vốn nhập hàng

Về nguyên nhân, theo Bộ Công Thương, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Trong quý II, DN tăng nhập khẩu khi giá tăng cao dẫn đến thua lỗ. Đến quý III, giá lại giảm mạnh nên doanh nghiệp nhập khẩu cầm chừng. Cùng thời điểm đó, 7 DN đầu mối xăng dầu phía nam bị tước giấy phép; một số DN không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử.

Từ tác động của diễn biến giá xăng, nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ; chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa phản ánh vào cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu khiến DN bị ảnh hưởng.

Tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các DN, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, việc tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá hối đoái giữa USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã nỗ lực cơ bản đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân.

“Cả nước có 17.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu, do đó, cần có con số tạm ngừng kinh doanh chính xác. Nhưng dù bao nhiêu đi chăng nữa chúng tôi cũng sẽ cùng các bộ, ngành liên quan nhìn thẳng vào trách nhiệm và có biện pháp giải quyết”, Thứ trưởng nói.

Tháo gỡ khó khăn cho DN để đảm bảo nguồn cung 

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt).

Đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của DN.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận. 

Cơ quan này cũng đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. 

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Bộ Công Thương nêu giải pháp ổn định thị trường xăng dầu cuối năm - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin tại họp báo ngày 12/10

Sáng 12/10, Bộ đã có cuộc họp với các DN thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe ý kiến, tìm ra giải pháp hỗ trợ, khuyến khích DN tham gia thị trường.

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các DN giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Đề nghị các nhà máy lọc dầu cần có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối (không có hợp đồng dài hạn với nhà máy) bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Đồng thời, các nhà máy lọc dầu cũng cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước. Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, rà soát để phân giao tổng nguồn phù hợp, gồm nguồn nhập khẩu và trong nước để đảm bảo đủ nguồn cho quý IV.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ra soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố vào giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp kiểm tra Tổng kho xăng dầu Nhà Bè

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo kế hoạch làm việc của đoàn công tác của Bộ làm việc với các đơn vị bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Theo đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị kinh doanh xăng dầu và trực tiếp bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia rà soát thực trạng hệ thống kho, bể chứa và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia để tổng hợp hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu trình Thủ tướng.

Trong kế hoạch, sáng 19/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc trực tiếp làm việc tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè - TPHCM thuộc Công ty xăng dầu Khu vực II.

Đoàn công tác sẽ khảo sát hiện trạng kho, bể chứa của DN và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia hiện nay; việc chấp hành các quy định của Nhà nước với công tác dự trữ xăng dầu quốc gia.

Đồng thời, định hướng phát triển kinh doanh, phát triển hệ thống kho, bể chứa của DN cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu cho Nhà nước thuê kho trong thời gian tới. Ngoài ra, đoàn cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của DN trong công tác bảo quản hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè là kho xăng dầu lớn trực thuộc Petrolimex Sài Gòn - đơn vị thành viên Petrolimex, bắt đầu hoạt động từ năm 1975. Nằm bên sông Nhà Bè (TPHCM) với diện tích khoảng 200 ha, tổng sức chứa 730.000 m3 với 9 cầu tàu, Tổng kho có thể tiếp nhận các tàu lớn có tải trọng lên đến 40.000 tấn; có 3 bến xuất bộ với năng lực xuất đường bộ đạt 600 xe/ngày. Năng lực xuất nhập đạt 8 triệu m3-tấn/năm.

Không chỉ là trung tâm lý tưởng tạo điều kiện phân phối và cung cấp sản phẩm vào thị trường nội địa miền Nam và Tây Nguyên, Tổng kho Nhà Bè còn có nhiệm vụ tồn chứa, nhập - xuất và pha chế, phân phối các sản phẩm xăng dầu cho thị trường nội địa và tái xuất; là trung tâm phối trộn nhiên liệu sinh học cho khu vực phía nam của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Tính đến tối 11/10, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết có 137/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu chủ yếu ở huyện Hóc Môn (có 18 cửa hàng); huyện Củ Chi và quận Bình Tân có 16 cửa hàng; TP. Thủ Đức có 15 cửa hàng; Quận 12, Bình Thạnh có 10 cửa hàng...

Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.

Từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.

Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng tăng premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở) với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít; dầu diesel lên 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng.

Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON 92 (xăng nền để phối trộn E5 RON 92) tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON 95 tăng 70 đồng lên 280 đồng; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng.

Phan Trang

135 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 557
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 557
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77546933