Bộ Công Thương họp báo về phương án tăng giá điện 

(Chinhphu.vn) - “Việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp tăng 4,97%. Còn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI 0,08%, tăng chỉ số sản xuất 0,7%”.

 

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn thông tin về việc điều chỉnh giá điện. Ảnh: VGP/Phan Trang

Đây là thông tin đưa ra bởi ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) tại buổi trao đổi với báo chí chiều 1/12 xung quanh việc điều chỉnh giá điện.

Tăng giá do lỗ gần 600 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá

Liên quan đến thông tin Tổng Công ty điện lực (EVN) "báo lỗ" gần 600 tỷ đồng, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc điều chỉnh giá điện năm 2017 được quyết định dựa trên việc kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016.

Theo đó, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57% (thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015).

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh. Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỷ đồng, tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng, tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo là 142,91 tỷ đồng.

Về doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh).

Nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016, ngành điện lỗ 593,46 tỷ đồng.

"Khoản lỗ này là một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện năm 2017, bên cạnh kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ và chi phí ước thực hiện năm 2017," ông Trần Tuệ Quang cho hay.

Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) vẫn còn một số khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 là 7.012,91 tỷ đồng.

Giải thích về việc EVN bị lỗ gần 600 tỷ đồng trong kinh doanh điện nhưng có lãi chung nhờ các hoạt động kinh doanh tài chính khác, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc tăng giá điện cũng do giá than bán cho điện đã được điều chỉnh khá mạnh trong các năm qua. Cùng đó là các chi phí liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng gia tăng. Tỷ giá dù được giữ ổn định nhưng thực tế vẫn tăng so với các năm trước. Bên cạnh đó, sức ép từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 9.000 tỷ đồng vẫn chưa được tính đầy đủ vào giá điện.

“Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện”, ông Tuấn cho hay.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, do lỗ tỷ giá kéo dài nhiều năm và để giảm bớt áp lực tăng giá điện, EVN đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương để có lộ trình phân bổ cho phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép phân bổ tỷ giá chênh lệch trong vòng 5 năm và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm để phân bổ cho phù hợp.

Hộ tiêu thụ dưới 50kWh tăng 4.500 đồng/tháng

Liên quan đến tác động của tăng giá điện với người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tăng giá điện sẽ khiến chi phí của các hộ kinh doanh dịch vụ tăng 5,4%.

Với khách hàng sinh hoạt, mức tăng giá điện ảnh hưởng không đáng kể. Cụ thể, với hộ dùng 50 kWh/tháng tăng 3.200 đồng. Hộ dùng 50 kWh/tháng đến 100 kWh là 6.600 đồng. Hộ dùng từ 200 kWh/tháng là 13.800 đồng. Với hộ dùng 300 kWh là 23.600 đồng còn hộ dùng từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng.

Bên cạnh đó, theo thống kê năm 2016, có 54 triệu khách hàng đang sử dụng điện. Trong đó có 4,1 triệu hộ tiêu thụ dưới 50kWh, chiếm 17%. Với các hộ này, Chính phủ cũng có quyết định hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách có sử dụng dưới 50 kWh với mức 51.000 đồng/tháng. Với khoảng gần 4 triệu hộ nghèo trên cả nước, mỗi năm số tiền chi hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách, số tiền chi mỗi năm là trên dưới 2.500 tỷ đồng.

Còn theo tính toán của cơ quan chức năng, với mức giá điện điều chỉnh, chi phí tiền điện tăng thêm của các hộ nghèo là 4.500 đồng/tháng. Đối với các hộ dân tiêu thụ điện ở mức đến 100kWh/tháng mức chi trả tăng thêm 9.172 đồng/tháng.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng nhấn mạnh, việc tăng giá điện sẽ tác động làm tăng chỉ số giá sản xuất khoảng 0,07% và tăng CPI 0,08% trong năm 2017

Phan Trang

425 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1106
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1106
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219086