Ghi chỉ số, tính tiền điện đúng quy trình

Giá điện đang được dư luận hiện nay rất quan tâm (Ảnh: vov.vn)

Theo kết quả kiểm tra hoat động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện.

Thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng vì thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 4 là 31 ngày, nhiều hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 3/2019.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, các Tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện đúng quy định. Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đã chủ động nghiên cứu thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện, thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện…

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20/3 đến ngày 4/5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện; trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Qua kiểm tra cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời và khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả.

Số liệu thống kê tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng), cao hơn mức bình quân cả nước và hóa đơn tiền điện cao hơn, nhưng số lượng khách hàng kiến nghị ít hơn nhiều so với các các tỉnh, thành phố khác (trong đó Hà Nội có gần 70 kiến nghị và Tp. Hồ Chí Minh có 714 kiến nghị).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho hay, số lượng khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều và đều được giải đáp đầy đủ. Vì vậy, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Giá điện vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, so sánh giá điện với các nước trong khu vực Đông Nam Á và sau khi điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019, mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam bằng 66% giá điện bình quân 8 nước trong khu vực và bằng 37% của Cambodia và 78% giá điện của Lào.

So sánh giá điện với các nước có cùng GDP, theo số liệu tổng hợp từ các nguồn thống kê số liệu tại thời điểm tháng 3/2019, tổng hợp 8 nước có GDP từ 1.599 USD đến 3.246 USD, với giá trị bình quân là 2.639 USD gần tương đồng với Việt Nam, cho thấy mức giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam sau khi điều chỉnh bằng 83% giá điện bình quân 8 nước có GDP bình quân gần tương đồng với Việt Nam.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam vẫn thấp hơn 17% giá điện bình quân 8 nước có GDP bình quân gần tương đồng với Việt Nam và bằng 58% giá điện bình quân các nước trên thế giới. Dù vậy, hệ số đàn hồi giữa tăng trưởng điện năng và tăng trưởng GDP (phản ánh mức độ hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế) của Việt Nam so với các quốc gia lân cận vẫn cao hơn Thái Lan, Malaysia (trung bình khoảng 1,05 lần), Indonesia (trung bình gần 1,3 lần). Điều đó chứng tỏ Việt Nam sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng vẫn chưa tiết kiệm và hiệu quả.

Do đó, Việt Nam cần tích cực thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầy mạnh tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng bền vững.

Để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, hiện nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đều áp dụng giá điện bậc thang và giá điện bậc sau cao hơn so với bậc đầu tương tự như Việt Nam.

Ví như Tại Hàn Quốc, bên cạnh giá cố định khách hàng phải trả hàng tháng, khách hàng còn phải trả thêm giá biến đổi với 3 bậc tăng dần: bậc 1 là 93,3 won/kWh, bậc cao nhất (mức tiêu thụ trên 400kWh/tháng) là 280 won/kWh, cao gấp 3 lần bậc 1. Hay tại Lào, giá điện sinh hoạt có 3 bậc tăng dần từ 4,2 cent/kWh lên 12,1 cent/kWh cho bậc cao nhất, cao gấp 2,88 lần so với bậc 1…

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi về các phương án giá điện bậc thang và khi tính toàn đã gắn với các yếu tố  đảm bảo an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng và phương án này vẫn đang là phương án được nhiều người chấp nhận hơn cả.

Tiếp tục nghiên cứu về biểu giá điện bậc thang

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ…; theo dõi, đôn đốc kiểm tra EVN  và các Tổng công ty Điện lực thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT; chỉ đạo EVN nghiên cứu thay đổi thiết kế của hóa đơn tiền điện cho khách hàng sinh hoạt để dễ theo dõi, kiểm tra, đặc biệt trong tháng có thay đổi giá điện phải áp dụng phương pháp nội suy.

Cùng với đó, triển khai thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho khách hàng sinh hoạt theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4602/QĐ-BCT về đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiên của EVN theo đúng quy định; khẩn trương tái cơ cấu EVN theo Quyết định số 168/QĐ-TTg, đặc biệt là việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và vân hành thị trường điện) thành đơn vị hạch toán độc lâp thuộc EVN.

Trước đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên 1.864,44 đồng/kWh từ ngày 20/3/2019. Cùng với nhiều yếu tố khách quan khác đã khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao, tạo  ra nhiều ý kiến trong dư luận.

Theo báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương, trong tháng 4 vừa qua, nền nhiệt độ ở cả 3 miền đều tăng cao, đặc biệt là miền Bắc và miền Nam. Tổng lượng điện thương phẩm trong tháng 4 tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 14,23% so với tháng 3/2019. Còn tính toán của Tổng cục thống kê cho thấy, giá điện tăng thời qua khiến CPI trong năm 2019 tăng khoảng 3,3 – 3,9%. Với mức tăng này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%. So với tháng 3, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31%, mặt hàng điện nằm trong nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng, nhóm này chỉ tăng 0,6%./.

Đức Dũng/TTXVN