Bộ Công Thương đề xuất cắt thêm 202 điều kiện kinh doanh 

(Chinhphu.vn) – Trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ 1 nghị định nữa để tiếp tục cắt, giảm, đơn giản hoá 202 điều kiện kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau.

 

Trước đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Cho tới nay, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ là 675 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp đảm nhiệm Trưởng Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ Công Thương.

Thông tin từ Bộ Công Thương, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình Chính phủ điện tử Bộ Công Thương, ngày 22/8/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định 3013/QĐ-BCT về việc thành lập Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là Trưởng Ban, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Đặng Hoàng An là các Phó Trưởng ban.

Ban chỉ đạo sẽ là đầu mối liên hệ với Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Ông Lê Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019–2020.

“Bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 thủ tục điều kiện kinh doanh trên tổng số 539 điều kiện kinh doanh còn lại, tương đương 36,1%. Các lĩnh vực tập trung như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất...”, ông Lê Anh Sơn nói.

Như vậy, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tương ứng hơn 72% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ và tương ứng với khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm.

Cụ thể, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ đề xuất cắt giảm 79 điều kiện, đơn giản hóa 34/132 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc lá, chuyển hậu kiểm 8/65 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực kinh doanh rượu, đề xuất cắt giảm 6 điều kiện, chuyển hậu kiểm 7/30 điều kiện hiện hành.

Đối với lĩnh vực điện lực, đề xuất cắt giảm 7 điều kiện, đơn giản hóa 2 điều kiện, chuyển hậu kiểm 3/49 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực hóa chất, đề xuất cắt giảm 15 điều kiện, đơn giản hóa 24 điều kiện, chuyển hậu kiểm 12/77 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành bảo dưỡng ô tô, đề xuất cắt giảm 2 điều kiện, chuyển hậu kiểm 1/13 điều kiện hiện hành.

Đối với lĩnh vực khoáng sản, đề xuất cắt giảm 1/6 điều kiện hiện hành; đối với lĩnh vực than đề xuất cắt giảm 1/8 điều kiện hiện hành.

Theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng trong báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vừa được công bố mới đây, hiện có 4 bộ đã chính thức cắt giảm được 900 điều kiện kinh doanh trên tổng số 5.905 điều kiện. Trong đó, Bộ Công thương xếp vị trí đầu tiên với 675 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện được cắt giảm, đạt 55,5%.
 

Phan Trang
311 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 901
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 901
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87203453