Trong đó, cần chú trọng quán triệt sâu sắc đến đảng viên, quần chúng nhân dân tại địa phương để tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện các chủ trương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tập trung xây dựng Chương trình hành động, Chiến lược và các Đề án, Kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, tích hợp và cụ thể hóa vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và của quốc gia.
Quan tâm tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của địa phương để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nguyên liệu, vật liệu có lợi thế của địa phương. Thúc đẩy phát triển thương mại gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam.
Tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển để bảo đảm nền kinh tế độc lập, tự chủ; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu trên thị trường, hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ việc xây dựng Chương trình hành động, chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại của các địa phương. Thanh Lan