Bộ Công Thương đã sẵn sàng bán buôn điện cạnh tranh vào 2019 

(Chinhphu.vn) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thí điểm, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành chính thức từ năm 2019.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ vận hành theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Thông tin đưa ra tại buổi Tổng kết vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm giai đoạn từ 1/7/2017 đến 30/6/2018 diễn ra sáng 8/10.

Thêm nhiều đơn vị tham gia thị trường

Báo cáo từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, qua 5 năm vận hành, đến nay, đã có 87 nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường, với tổng công suất đặt gần 23.000 MW, tăng gần 3 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).

Đối với thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành thí điểm, đến nay đã có 99% (633/639) số điểm đo thuộc phạm vi ranh giới được thu thập trực tiếp từ xa về Trung tâm điều độ A0; chất lượng số liệu đo đếm từng bước cải thiện, công tác công bố, đối soát, xác nhận số liệu đo đếm từng bước đi vào khuôn khổ, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Ông Lê Hồng Hải, đại diện Cục Điều tiết điện lực nhận định, thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, việc xác nhận số liệu đo đếm của các tổng công ty điện lực cần thời gian thêm vì phạm vi số lượng số liệu đo đếm rất lớn, kiểm tra phương thức giao nhận điện năng khi có sự thay đổi lớn, cập nhật; xác nhận sản lượng của các nhà máy vùng sâu, vùng xa chậm do việc thu thập số liệu trực tiếp khó khăn dẫn đến việc xác nhận các bảng kê ngày chậm 2-3 ngày so với thời gian biểu quy định hiện hành.

Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin mới đáp ứng ở mức cơ bản, hệ thống SCADA (hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) chưa đầy đủ, gây hạn chế trong dự báo, lập kế hoạch, giám sát thị trường điện.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Hải Phòng, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tính toán, lập kế hoạch vận hành cho các nhà máy, lập lịch huy động và bảo dưỡng sửa chữa.

Tuy nhiên, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi nên giá thị trường trong ngày thay đổi từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng giảm tải nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố.

Đối với các nhà máy thủy điện, khả năng vận hành tối ưu trong mùa lũ để giảm lưu lượng xả qua tràn cũng khó được đáp ứng trong các chu kỳ phụ tải thấp; nhiều nhà máy phải chạy công suất thấp để điều chỉnh điện áp hệ thống trong các giờ thấp điểm hoặc các ngày có phụ tải thấp, gây ảnh hưởng đến doanh thu và tăng tỷ lệ điện tự dùng...

Thêm vào đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, mặc dù số lượng các nhà máy điện và công suất các nhà máy điện tham gia thị trường điện tăng đáng kể, từ 31 nhà máy điện trực tiếp lên 87 nhà máy, nhưng, những tỉ lệ phần trăm mới chỉ được 49% tổng công suất đặt hệ thống. Điều này cho thấy, vẫn còn có dư địa về pháp lý, cơ chế để đưa thêm các nhà máy tham gia vào thị trường điện.

Hoàn thiện pháp lý, sẵn sàng vận hành chính thức vào năm 2019

 

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực năm 2004 và tiếp tục được cụ thể hóa trong Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo đó, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

“Việc vận hành thí điểm Thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian vừa qua là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành Thị trường bán buôn điện theo thiết kế chi tiết đã được phê duyệt; đồng thời, các đơn vị thành viên thị trường đã từng bước làm quen với các cơ chế mới, đào tạo nâng cao năng lực”, Thứ trưởng nhận định.

Nói về những công việc sắp tới để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào vận hành chính thức, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện hoàn thành tốt giai đoạn vận hành thí điểm các tháng cuối năm 2018; hoàn thành Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như tiếp tục triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, Cục Điều tiết điện lực sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường điện. Tiếp theo sẽ nghiên cứu đưa các nhà máy năng lượng tái tạo như điện, gió... tham gia thị trường điện.

“Đây là cơ chế khó vì các nhà máy có nguồn phân tán, phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, phương thức điều độ... nhưng bằng các giải pháp này sẽ tăng được số lượng các nhà máy tham gia thị trường điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo kế hoạch dự kiến, sau khi kết thúc giai đoạn vận hành thí điểm, Thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành chính thức từ năm 2019.

Phan Trang
481 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 851
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 851
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87182457