Đây là buổi thứ hai của Tổ công tác làm việc tại Bộ Công Thương kể từ 10/2016. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau một năm, Bộ Công Thương đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, kết quả rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trực tiếp làm việc với Bộ Công Thương
(Ảnh: K.D)
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả đạt được của Bộ Công Thương. Tổ Công tác của Thủ tướng đã làm việc với 13 bộ, trong đó Bộ Công Thương là cơ quan ban hành các điều kiện kinh doanh, các danh mục hàng hóa phải kiểm tra rất lớn. “Với quyết tâm cao nhất, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, đây là động thái tích cực và là tấm gương cho các bộ ngành khác” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, về kiểm tra chuyên ngành (KTCN), tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không thể bỏ qua kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không vì lí do đó mà trói buộc, gây khó cho doanh nghiệp. Hiện các danh mục kiểm tra rất lớn, nhưng tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%, rất nhỏ so với số hàng hóa kiểm tra. Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục rà soát những quy định KTCN còn chồng chéo giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác để đơn giản hoá và hướng tới mục tiêu một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, các bộ ngành khác phối hợp kiểm tra. Song song đó, cần tăng cường công nhận lẫn nhau. Cụ thể là công nhận chất lượng sản phẩm xuất xứ từ các vùng lãnh thổ, các quốc gia có trình độ tiên tiến, sản phẩm của các hãng lớn. Chấp nhận kết quả thử nghiệm giữa các bộ, ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải thực hiện tốt công tác chia sẻ thông tin gắn với việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế Một cửa quốc gia. Cùng với đó, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành đầy đủ danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan kèm theo mã hàng hóa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục xử lý các dự án thua lỗ kém hiệu quả kéo dài theo các phương án, giải pháp mà Bộ đã trình Chính phủ.
Về các vấn đề được Thủ tướng chỉ đạo, tại buổi làm việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định nhận thấy trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng cũng như của Bộ Công Thương trong việc xử lý các dự án yếu kém của ngành và vấn đề cổ phần hóa. Riêng về việc xử lý các dự án yếu kém, Bộ trưởng sẽ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao và có các cuộc họp với các đơn vị để tìm giải pháp xử lý dứt điểm. Còn về vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2017 là năm thể hiện rất lớn quyết tâm của Bộ trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như Sabeco, điện lực, dầu khí… đúng pháp luật, công khai, minh bạch, theo đúng chủ trương, đường lối Đảng, nhà nước.
Ngoài ra, phản hồi trước ý kiến băn khoăn của một số đại biểu tại buổi làm việc về con số 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Chúng tôi không cố gắng đạt được con số để gây ấn tượng. Chúng tôi đã cân nhắc, rà soát rất kỹ trên cơ sở pháp lý và tình hình thực tế để phục vụ cho doanh nghiệp một cách tốt nhất nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước”. Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thiết lập đường dây nóng về xuất nhập khẩu (Số điện thoại 024. 2220.2240 và địa chỉ email: thutucxuatnhapkhau@moit.gov.vn) và vận hành hiệu quả. Bộ trưởng sẽ sát sao chỉ đạo để Bộ phận Đường dây nóng hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn./.
Kim Dung