Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhằm đảm bảo công tác tái đàn lợn nhanh nhưng phải hiệu quả, tránh rủi ro dịch bệnh.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: BT) |
Phóng viên (PV):Những giải pháp của ngành nông nghiệp đã và sẽ thực hiện để tăng đàn lợn nhanh nhất trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đến giờ phút này, chúng ta đã tập trung tái đàn được 81% so với tổng đàn so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Tuy nhiên, còn 20% nữa. Đây là một nhiệm vụ rất khó mà chúng ta phải tập trung, để cố gắng làm sao trong quý III và quý IV có được đàn lợn phát triển bằng mức trước khi dịch bệnh xảy ra. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là phải tập trung thúc đẩy, phát triển nhanh ở khu vực hộ nông dân, chăn nuôi quy mô vừa. Thứ hai là các hợp tác xã. Đây là hai khu vực tham gia cơ cấu tới 65% tổng đàn lợn, vì vậy, chúng ta phải thúc đẩy nhanh hơn. Bởi khu vực chăn nuôi lớn bao gồm 15 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ 35%, tốc độ tái đàn rất nhanh, tới 17%. Vì vậy, hiện nay, chúng ta phải ưu tiên, hướng các giải pháp và chính sách vào chăn nuôi hộ tập trung và trang trại cũng như hợp tác xã.
Muốn vậy, một là về nhóm chính sách nhà nước. Rất nhiều tỉnh hiện nay đã xây dựng chính sách rất cụ thể để hỗ trợ con giống, hỗ trợ chăn nuôi. Đồng thời, vừa qua nhà nước đã ban hành, ví dụ: Chính sách hỗ trợ cho các thiệt hại để các gia đình hộ nông dân cũng như hợp tác xã có điều kiện tái đàn. Hiện vẫn còn rất nhiều tỉnh thực hiện chính sách này chưa hết, cố gắng tới đây phải nhanh chóng để thực hiện chính sách này.
Điểm thứ hai là ngành phải ưu tiên, tập trung chỉ đạo sâu sắc hơn nữa để đảm bảo khi tái đàn an toàn, vì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại vẫn còn rất hiện hữu. Do đó, chúng ta khuyến khích người dân phát triển đàn nhưng phải trên cơ sở đảm bảo an toàn sinh học.
Thứ ba, các bộ, ban ngành phải vào cuộc cùng. Ví dụ như ngân hàng. Tái đàn cần một lượng vốn lớn, vì vậy, rõ ràng ngân hàng cùng đồng hành với bà con, cùng hợp tác xã, cùng trang trại, cùng với chính quyền để chúng ta vào cuộc. Hoặc là công tác kiểm soát chung, để như vậy không chỉ đảm bảo phát triển tái đàn nhanh, mà khâu kiểm soát thương mại phải đi đôi. Có vậy mới có giá cả hợp lý và mới có sự phát triển bền vững, không bị trục lợi, không bị ảnh hưởng, tổn thương về lâu dài.
Tới đây, với nhiều nhóm chính sách như vậy, đồng hành ở cả khu vực nhà nước từ Chính phủ cho đến các tỉnh và các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải tập trung chia sẻ các sản phẩm dịch vụ, riêng con giống là phải bán, tập trung cho các nhóm hộ, nhóm hợp tác xã. Thứ nữa, thức ăn cũng phải giữ ở mức hợp lý, lúc này không thể tăng giá làm ảnh hưởng đến giá thành, ảnh hưởng đến việc phát triển tái đàn của người dân.
Bên cạnh đó, ở khu vực chăn nuôi trang trại, hợp tác xã, phải liên kết chặt chẽ với nhau. Trước hết, phải tuân thủ rất nghiêm quy trình an toàn sinh học, vì nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ có nguy cơ rủi ro thiệt hại. Do đó, người dân chúng ta khi tập trung tái đàn, đầu tiên phải tuân thủ an toàn sinh học, cố gắng tập trung theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.
Thứ hai là cố gắng tùy từng điều kiện của cơ sở chăn nuôi để liên kết thật chặt chẽ, có nơi sẽ vào hợp tác xã kiểu mới, có nơi sẽ liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp để khép kín từ khâu phát triển nguyên liệu đến cung ứng dịch vụ cho đến bán sản phẩm tiêu thụ. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo an toàn và hiệu quả chăn nuôi bền vững.
PV: Hiện nay con giống giá đang đắt và người dân đang gặp khó khăn, vậy Bộ trưởng cho biết cụ thể vấn đề này ?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng là vừa qua có chuyện các tập đoàn lớn, các cơ sở chăn nuôi lớn ưu tiên số 1 trong việc đưa đàn vào để phát triển chăn nuôi phục hồi ở những cơ sở liên kết trực tiếp. Nhưng bây giờ, chúng tôi yêu cầu đi đôi với việc đó, phải phục vụ khu vực người dân. Những nơi có đủ điều kiện an toàn sinh học thì cần được phục vụ. Chúng ta phải đề phòng khả năng sinh ra độc quyền ở đây.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm, nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm dịch vụ từ con giống, thức ăn, thú y,…đều phải chung tay để làm sao chúng ta có một thị trường bền vững, phát triển không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
PV: Còn vấn đề nhập khẩu thịt lợn hiện nay, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta vẫn làm công tác nhập khẩu. Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành đều khuyến khích để trong một thời gian ngắn nhất chúng ta đảm bảo có đủ tổng lượng thực phẩm thịt lợn. Qua đó, không chỉ chăm lo đến quyền lợi của người chăn nuôi mà chúng ta phải chăm lo nhu cầu tiêu dùng chung của xã hội.
Tuy nhiên sản phẩm nhập khẩu không phải “một sớm một chiều” nhanh được. Nhu cầu, thói quen của chúng ta cũng phải cần từng bước, nhưng nhà nước khuyến khích việc nhập khẩu để đảm bảo tổng thể nhu cầu thị trường một cách hài hòa.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!